Đến hôm nay, anh Đỗ Thanh An (22 tuổi; ngụ tại phường Bửu Long, TP Biên Hòa) đã tỉnh táo sau khi được chữa trị. Trước đó, sáng 10-3, với tay không, anh An leo núi Tao Phùng, bị trượt tay lăn xuống và được đưa đến Bệnh viện Lê Lợi (TP Vũng Tàu) cấp cứu.
Không phải ai cũng may mắn như anh An, rơi tự do từ độ cao hơn 20 m mà không mất mạng. Trước anh An, từng có nhiều vụ mất tích, chết người khi tham gia các trò mạo hiểm. Điển hình là 3 năm trước, du khách người Anh Aiden Webb thiệt mạng trên Fansipan khi được cho là đang chơi free soloing (leo núi ngoài trời tự do). Năm 2017, một nữ phượt thủ mất mạng trên tuyến trek (đường rừng) Tà Năng - Phan Dũng vì bị nước cuốn trôi. Tháng 5-2018, một nam phượt thủ được tìm thấy thi thể dưới một thác nước sâu tại khu vực Tà Năng sau 9 ngày mất tích...
Hầu hết những người tham gia trò chơi mạo hiểm đều bắt nguồn từ việc muốn được hưởng cảm giác thử thách, chinh phục và "chiến thắng bản thân". Khi mạng xã hội phát triển, nhiều người lại muốn "được cả thế giới biết đến mình", cũng có người tận dụng việc này để thu lợi thông qua mạng xã hội. Cứ thế, những tấm ảnh cheo leo trên vách núi, những clip ngắn về việc chinh phục một mái nhà hay biểu diễn thật "ngầu" một cú nhảy, hất xe... giúp "ai đó" trở thành "ngôi sao" trên mạng, lượng truy cập tăng và tiền thu về từ quảng cáo cũng theo đó tăng theo.
Người chơi phải biết giới hạn sức khỏe của mình để đưa ra quyết định tham gia trò chơi mạo hiểm hay không
Thế nhưng, theo tay chơi mạo hiểm nổi tiếng Phạm Duy Long (Long Loco), một trong những huấn luyện viên nhảy dù thể thao đầu tiên của Việt Nam, để được nổi tiếng như thế, cái giá phải trả rất đắt, đôi khi bằng chính sinh mạng người chơi. Còn với chuyên gia tổ chức đi rừng của một công ty chuyên tổ chức các chuyến thám du Việt Nam, Lê Phạm Minh Đạo (Dominic Le), khi tham gia các môn thể thao mạo hiểm như leo núi, đu tường hay du thám đường rừng, người chơi đầu tiên phải biết giới hạn sức khỏe của mình để đưa ra quyết định tham gia hay không. Ngoài ra, phải tìm hiểu rõ môn mạo hiểm để có sự chuẩn bị thật tốt dụng cụ, kỹ thuật cá nhân, kỹ năng thoát hiểm, té ngã. Quan trọng nhất là phải luôn lập kế hoạch chi tiết và có phương án dự phòng cho trường hợp bất khả kháng.
Với vai trò quản lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM Mai Bá Hùng cho biết: "Các môn thể thao và trò chơi mạo hiểm du nhập Việt Nam từ nhiều năm qua. Với môn leo núi (tường) thể thao, cũng như các môn có sự quản lý chính thức, chúng tôi đều có quy định cụ thể về cơ sở vật chất, sân bãi... nhằm bảo đảm tối đa cho sự an toàn của các người tham gia tập luyện. Riêng với những môn mang tính tự phát, hiện vẫn chưa có quy chế cụ thể ràng buộc, hầu hết những người chơi phải tự chịu trách nhiệm".
Bình luận (0)