Nhìn rộng ra, có thể thấy tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, thiên tai đang hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới: châu Âu, Nhật Bản xảy ra hạn hán khủng khiếp, trong khi một số nước như Hàn Quốc, Philippines, miền Nam Trung Quốc lại gánh chịu tổn thất nặng nề bởi bão lũ...
Việt Nam không đứng ngoài vùng ảnh hưởng bởi những hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu. Điều này cũng đã được cảnh báo trong các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu trước đây của giới nghiên cứu khoa học môi trường. Cũng nhìn từ các kịch bản cảnh báo đó, sẽ thấy có nhiều nguyên tắc nếu được tuân thủ nghiêm ngặt, hoàn toàn có thể tránh được hay giảm thiểu thiệt hại trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, như: bảo vệ rừng; tái tạo mảng xanh tự nhiên; không xây dựng công trình cư trú, lưu thông và canh tác ở những vùng dễ tổn thương, nhiều rủi ro...
Nhưng không phải bao giờ các cảnh báo đó cũng được lưu tâm; thậm chí, có những nguyên tắc còn bị coi là lý thuyết xa vời cho đến khi nhận được "hồi đáp" khốc liệt từ thiên nhiên.
Nhìn sâu vào nguyên nhân những vụ sạt lở, lũ ống, lũ quét từ Bắc tới Nam trong đợt mưa dài ngày vừa qua, có thể thấy rất rõ có những tác động thuộc về "nhân tai" mà cụ thể và phổ biến là sự can thiệp thô bạo vào cấu trúc rừng, địa thế tự nhiên của con người. Có những tác động riêng lẻ, tự phát; cũng có những tác động quy mô trên diện rộng, là hệ quả của cả một chính sách phát triển kinh tế cục bộ địa phương hay một vùng.
Khung cảnh tiêu điều của các trận lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc luôn là cảnh ngổn ngang những gốc cây, củi khô, tàn tích của những cánh rừng bị đốn hạ, xóa dấu để làm thủy điện.
Những dãy ô tô bị đất đá tuôn xuống muốn vùi chôn ở Sóc Sơn lại ở rất gần các cánh đồi được "khai thác", mở đường và xây dựng các khu resort, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng. Việc xây dựng quá đà ở thành phố du lịch Đà Lạt trong hơn 20 năm qua và cao điểm là sau đợt sốt bất động sản năm 2022 đã biến thành phố thành một khối bê-tông khổng lồ với nhiều vực dốc đứng, nhiều cánh đồi bị san bạt với cao trình tùy tiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Bằng hình ảnh trực quan, ta nhận thấy các bờ ta-luy dốc đứng ở Bảo Lộc, Đà Lạt hay Đắk Nông thật mong manh trước những trận mưa dài ngày.
Liệu người dân sống dưới các bờ ta-luy cao, những khu rừng bị phá để thay bằng resort, thủy điện hay người lưu thông qua những góc đèo nơi rừng bị khai thác có thể yên tâm được không khi mà từ đây đến cuối năm, dự báo thời tiết mưa bão sẽ còn diễn biến vô cùng phức tạp?
Với trách nhiệm của mình, các nhà chức trách cần nhìn nhận lại các vụ việc vừa qua để có phương án kiểm soát rủi ro, rà soát các vùng nguy cơ và dễ tổn thương trên thực tế để tránh những kịch bản xấu xảy đến trong tương lai. Xa hơn, cần những phương án điều chỉnh, giám sát các quy hoạch có thể gây ra bất ổn lâu dài, xây dựng lại những chính sách phù hợp và hướng đến phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần nghiêm túc hơn trong trách nhiệm bảo vệ rừng, xem xét lại toàn bộ các dự án "đánh đổi phát triển" một cách dễ dãi để tránh gây hệ lụy lâu dài.
Bình luận (0)