1. Chuyện "dữ dội" đầu tiên là câu chuyện không mới: trẻ bị đuối nước. Không mới vì năm nào cũng xảy ra, dù rất nhiều phương án, kế hoạch phòng, chống đã được đưa ra bàn luận. Khởi đầu mùa hè năm nay là hàng loạt vụ đuối nước thương tâm, lấy đi sinh mạng của nhiều học sinh cùng lúc. Điển hình là 3 học sinh ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình tử vong vì bị trượt chân ở bờ sông Gianh vào ngày 23-5; 6 học sinh ở xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) rủ nhau tắm suối, 4 em trong số đó mãi không về (ngày 25-5); 3 nữ sinh ở xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) trượt chân chết đuối khi rủ nhau đi mò cua bắt ốc (chiều 28-5); 5 học sinh tử vong trưa 30-5 sau khi rủ nhau sang đập nước ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An chơi; ngày 4-6, 3 trẻ từ 4 đến 6 tuổi bị đuối nước trong công trình đang thi công ở thị trấn tân Hiệp, Kiên Giang; ngày hôm sau, 5-6, 2 anh em ruột 14 tuổi và 12 tuổi ngụ tại thôn Đại Nga 1, xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng trượt chân xuống sông chết đuối khi rủ nhau tắm sông
Phương án, kế hoạch phòng chống đuối nước hiện nay xem ra khá đầy đủ, trong đó có việc triển khai thực hiện việc xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em. Rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em, cụ thể như làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm... cùng nhiều kế hoạch tuyên truyền khá rầm rộ.
Nhưng các vụ đuối nước vẫn xảy ra, nhất là mỗi dịp hè đến.
Để hạn chế tình trạng này và để mùa hè thật sự đẹp với con trẻ chứ không phải là mùa hè "dữ dội" mang tên đuối nước, không còn cách nào khác, người lớn phải có trách nhiệm và quan tâm hơn nữa con trẻ trong gia đình mình; làm hết sức với công việc mà mình được phân công phụ trách trong lãnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Hiện trường vụ đuối nước thương tâm tại huyện Yên Thành (Nghệ An)
2. Chuyện "dữ dội" thứ hai hiện gây bức xúc dư luận là gây tai nạn sau khi dùng rượu, bia. Mới nhất là vụ một cán bộ phòng CSGT, Công an tỉnh Bình Dương, tông chết một người thanh niên khi đang đứng rửa đồ ở sạp bán trái cây ở chợ Minh Hòa (Dầu Tiếng). Tai nạn khiến cháu gái chưa tròn 1 tuổi đã phải mồ côi cha.
"Nếu dùng rượu, bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm. Xin được nhắc lại trong chừng mực như vậy để chúng ta cùng thống nhất quan điểm với mục tiêu cuối cùng của dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia"- bà Phạm Thị Minh Hiền, Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến. Đằng sau tay lái là sinh mạng, tương lai và hạnh phúc của nhiều người, nhiều gia đình, trong đó có không ít trẻ em. Xin đừng tước đi một gia đình êm ấm, đủ đầy cha mẹ của những đứa trẻ vô tội- chỉ vì rượu, bia.
Hiện trường xe CSGT tông chết người ở Bình Dương
3. Chuyện "dữ dội" thứ 3 có liên quan đến ma túy. Mới đây, một sĩ quan biên phòng đã anh dũng hy sinh trong lúc đánh án ma túy ở khu vực biên giới Việt- Lào, để lại mẹ già, vợ trẻ và 2 đứa con thơ dại. Từ mùa hè này, 2 con nhỏ của anh đã vĩnh viễn mất đi người cha thân thương của mình. Qua câu chuyện này thiết nghĩ Luật Phòng chống ma túy cần phải được thực thi quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt, các cá nhân, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy cần phải được đầu tư, trang bị các trang thiết bị bảo vệ, bảo hộ sức khỏe, tính mạng tối ưu hơn nữa khi làm nhiệm vụ…
4. Chuyện "dữ dội" thứ 4 là nỗi đau đến từ mối bất hòa gia đình khiến con trẻ bơ vơ. Điển hình là vụ chồng giết vợ ở Phú Quốc rồi tự tử, để lại 3 đứa trẻ chông chênh giữa cuộc đời.
Gia đình nào cũng có lúc "cơm không lành, canh không ngọt" nhưng dù có giận, có chán nhau thì cũng phải nghĩ đến trách nhiệm đối với con cái. Đừng vì một phút nóng giận mất khôn mà làm tan nát cả gia đình, gây đau thương, mất mát cho người thân mà đặc biệt là những đứa con máu mủ ruột rà.
Bình luận (0)