Tại cuộc họp lần thứ 9 HĐND TP HCM khóa IX, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, cho biết công tác bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn TP rất được quan tâm. Cụ thể từ năm 2012 đến nay, TP đã chi hơn 300 tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng các di tích văn hóa đang xuống cấp. Ngoài ra, TP còn huy động được 33 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa để phục vụ cho công tác bảo tồn các di tích đang xuống cấp. Dù vậy, ghi nhận thực tế, rất nhiều di tích dù đã được công nhận, xếp hạng vẫn bị xâm hại đến khó tin.
Vô tư buôn bán, đổ rác
Gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Sài Gòn - Gia Định, ngôi chùa cổ Giác Lâm (quận Tân Bình) được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1988. Hiện nay, dù trước cổng có biển cấm "Tụ tập, buôn bán, đậu và để xe các loại" nhưng nhiều xe rác vẫn ngang nhiên đậu trước cổng chùa. Rác chất đống trên xe, vương vãi khắp cổng chùa. Bờ tường phía đường Lạc Long Quân cũng bị tận dụng làm nơi tập kết xe đẩy rác. Mùi rác hôi thối lan ra cả khu vực, gây bức xúc cho người dân.
Lều quán bát nháo trước chùa Phụng Sơn
Chùa Phụng Sơn (đường 3 Tháng 2, quận 11) cũng là một trong những ngôi chùa cổ lừng danh đất Sài Gòn và đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Thế nhưng, án ngữ ngay trước cổng chùa là lều quán bát nháo, hướng vào chùa là cổng tam quan đồ sộ cũng bị người dân chiếm dụng hai cửa Giả quan và Không quan để kinh doanh. Bên trong sân chùa khá rộng và thoáng được tận dụng làm bãi giữ xe cho khách. Đứng từ hướng chánh điện nhìn xuống, sân chùa la liệt ôtô, xe máy vây kín khuôn viên.
Cùng chung cảnh ngộ, nhiều đình thần ở TP HCM cũng bị xâm hại không thương tiếc. Đình Nhơn Hòa (đường Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) được Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM liệt vào danh mục di tích lịch sử, văn hóa của TP. Từ năm 1989, ban quản trị đình đã phục hồi các hoạt động thường lệ đồng thời từng bước sửa chữa, tu bổ cơ sở vật chất cho ngôi đình, mở cửa thường xuyên đón khách đến chiêm bái. Thế nhưng, trước cổng đình, vẫn tồn tại nhiều hàng quán tạm bợ bủa vây. Chưa hết, rác thải hôi thối, bẩn thỉu được tập kết xung quanh đình. Để tránh xâm hại đến nguyên trạng tấm phù điêu trước cổng đình, ban quản trị đình cho dựng hàng rào khoanh vùng khu vực này. Dù vậy, người dân vẫn tận dụng rào chắn làm chỗ treo bao bì và nhiều vật dụng linh tinh khác.
Tương tự, đình Tân An (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1) được xây dựng theo kiến trúc cổ, được triều Nguyễn sắc phong thần Thành Hoàng Bổn Cảnh đình Tân An vào năm 1909. Hiện nay, ngoài quán cóc trước cửa, bên hông đình còn là nơi tập kết phế phẩm, vật dụng sinh hoạt, chai lọ, bao bì ni-lông... làm phá vỡ cảnh quan và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Đình cổ Sơn Trà (đường Nguyễn Phi Khanh, quận 1) gần như trở thành phế tích khi bị biến thành cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, bên ngoài nhếch nhác nào đá sỏi, đất cát, bên trong là nơi tập kết xi-măng, sắt thép.
Phải xử lý thật nghiêm
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM), việc bảo vệ, gìn giữ di tích được quy định đầy đủ trong Luật Di sản và Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Cụ thể, tại điều 71 Luật Di sản quy định: "Người nào vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật". Ngoài ra, theo điều 345 Bộ Luật Hình sự 2015, nếu vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại, hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích…, có thể bị phạt tiền lên đến 500 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 7 năm tù giam.
Sân chùa được tận dụng làm bãi giữ xe Ảnh: Ý LINH
"Trước tiên, vấn đề cần xem xét là trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương đối với việc quản lý di sản trên địa bàn. Hầu như việc khai thác, phát triển nét văn hóa di tích chưa được xem trọng, nhiều di tích bị xâm hại một cách ngang nhiên. Đáng tiếc là đến nay, chưa có trường hợp cụ thể nào chịu trách nhiệm trước pháp luật, tất cả chỉ dừng lại ở mức "rút kinh nghiệm, phê bình"... Chính điều này không tạo nên sự răn đe. Hơn nữa, ý thức của người dân trong việc bảo vệ gìn giữ di sản rất kém nhưng lại ít được tuyên truyền, giáo dục, phổ biến để họ hiểu về giá trị của di sản, từ đó hình thành nên ý thức bảo vệ di sản" - luật sư Mạch phân tích.
Theo luật sư Mạch, nhà nước cần có sự quan tâm, chỉ đạo cũng như quy định rõ về nghĩa vụ của cơ quan chức năng địa phương nơi có di sản để địa phương có trách nhiệm trùng tu, bảo vệ (có thể vận động các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ tôn tạo, tu bổ, sửa chữa các di tích lịch sử - văn hóa; huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư…). Ngoài ra, cần có nguồn kinh phí để tuyên truyền, phổ biến về giá trị văn hóa di sản cho người dân trên địa bàn, nơi có di tích hiểu rõ ý nghĩa, giá trị các di tích lịch sử - văn hóa; làm cho người dân thấy được mình vừa là người bảo vệ vừa là người được hưởng lợi từ việc phát huy giá trị các di tích, từ đó có ý thức, trách nhiệm và những hành động thiết thực trong việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích.
Tu bổ chùa Giác Viên
Sau hơn 1 năm khởi công tu bổ và tôn tạo, tháng 2-2018, công trình di tích chùa Giác Viên (quận 11) đã được hoàn thiện giai đoạn I, gồm hạng mục Đông lang, Tây lang và khu vực nhà bếp. Đến nay dự án tu bổ - tôn tạo di tích Giác Viên đang tiếp tục bước đến giai đoạn II, tu bổ chánh điện.
Theo sư thầy Thích Huệ Thạnh, hiện tình trạng những hộ dân lấn chiếm vào khuôn viên chùa đã được chính quyền địa phương quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, khu vực trước cổng chùa vẫn không thể xử lý được hoàn toàn tình trạng người dân kinh doanh hàng quán, dựng lều, sạp xung quanh khiến đường vào chùa bị ảnh hưởng không ít.
Bình luận (0)