Chỉ còn ít ngày nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30-4, cũng vì thế mà thông tin về giá vé máy bay được đặc biệt chú ý. Trong khi từ đầu đến giữa tháng 4, giá vé máy bay bị đẩy lên cao ngất ngưởng thì những ngày gần đây, giá vé đã rẻ hơn khá nhiều.
Kinh doanh vé máy bay như... hoa Tết
Những ngày đầu tháng 4, giá vé máy bay khứ hồi các chặng từ Hà Nội, Hải Phòng đến Phú Quốc dịp lễ 30-4 và 1-5 dao động từ 8 - 13 triệu đồng/ khách; Đà Nẵng đến Phú Quốc 7,5 triệu đồng/khách. Với chặng TP HCM đi Phú Quốc, giá rẻ nhất cho hành trình khứ hồi (gồm thuế phí) của Vietjet là 3,5 triệu đồng; Bamboo Airways và Vietnam Airlines dao động 3,6 - 4 triệu đồng. Chặng Hà Nội - TP HCM, giá ít nhất từ 8 - 16 triệu đồng/vé khứ hồi… Cũng vì vậy, kế hoạch du lịch, về quê của nhiều gia đình phải hủy, hoãn vì không chịu nổi giá vé quá cao.
Thế nhưng, gần sát dịp lễ, giá vé lại giảm 10%-20%, thậm chí chỉ bằng một nửa so với ít ngày trước; đường bay từng hết vé nay lại có với nhiều khung giá cho khách chọn. Tiếc là thời điểm này, nhiều gia đình đã thay đổi kế hoạch, chọn du lịch nước ngoài vì giá vé phải chăng, thậm chí một số chặng còn rẻ hơn rất nhiều so với trong nước.
Điển hình, giá vé khứ hồi từ TP HCM - Thái Lan rẻ nhất của Vietjet 3,2 - 4 triệu đồng; Vietnam Airlines và Bamboo Airways 4,1 - 5 triệu đồng; TP HCM - Singapore, vé khứ hồi các hãng mở bán 5,5 triệu đồng... Thị trường du lịch nội địa tưởng chừng "ăn nên làm ra" với kỳ nghỉ dài thì trở nên vắng vẻ, thua ngay trên sân nhà. Nhiều khách sạn ở Nha Trang, Phú Quốc "kêu than" vì công suất phòng đến thời điểm này chưa đạt mức 60% dù là mùa cao điểm. Vé máy bay dịp lễ năm nay phập phù lên xuống khiến nhiều người ví kinh doanh vé máy bay như kinh doanh hoa Tết đêm 30: 5 ăn 5 thua.
Vé máy bay là một trong những yếu tố quan trọng để du khách đưa ra quyết định chọn điểm nghỉ dưỡngẢnh: Hoàng Triều
Cần cơ quan điều tiết, định hướng
Điệp khúc đến dịp lễ, Tết, nhu cầu vận chuyển tăng cao là giá vé máy bay tăng lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay. Theo lý giải của các hãng hàng không, giá vé tăng là do cung cầu thị trường, khách có nhu cầu cao đột biến, vé rẻ nhanh chóng cạn và chỉ còn hạng vé cao. Còn theo một số ý kiến khác, các đại lý lớn ôm vé đã ít nhiều làm xáo trộn cung - cầu cũng như giá vé.
Dù là lý do gì nhưng với góc độ của người tiêu dùng, kinh doanh không lành mạnh thì sẽ phản tác dụng, không khác gì tự bắn vào chân mình. Làm ăn trong nền kinh tế thị trường, khách hàng quyết định sự tồn tại, phát triển của người bán. Lợi dụng nhu cầu đi lại tăng cao vào dịp lễ làm cho giá vé cao hơn bình thường trong khi thu nhập người dân đang khó khăn sẽ khiến khách hàng quay lưng và dĩ nhiên, các hãng máy bay phải trả giá. Chưa kể, việc này gây mất niềm tin, có thể phá vỡ nền kinh tế, cản trở lớn đến chính sách du lịch chung của quốc gia bởi giá vé máy bay chiếm từ 40%-60% giá thành tour du lịch. Đi du lịch mà chi phí giá vé gấp 2-3 lần chi phí cho cả chuyến du lịch, khách sẽ phải suy nghĩ lại hoặc chọn phương án khác.
Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du dịch tỉnh Kiên Giang, cho rằng vé máy bay là một trong những yếu tố quyết định rất lớn và là rào cản để du khách đưa ra quyết định chọn điểm nào là nơi nghỉ dưỡng. Cần phải có giải pháp về cơ chế vé máy bay thì mới thúc đẩy phát triển du lịch Phú Quốc và cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng hàng không, để tìm ra một tiếng nói chung.
Nhìn rộng ra, nếu vẫn giữ cách làm không đồng bộ thì các ngành sẽ tự làm mất cơ hội của nhau ngay tại thị trường trong nước. Cần có một cơ quan định hướng, điều tiết việc vận chuyển hành khách, tăng - giảm chuyến bay, giá vé… để giảm tác động của các biến động thị trường, nhất là vào giai đoạn cao điểm du lịch.
Nguy cơ khác
Ngoài việc giá vé máy bay phập phù như hoa Tết, một yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý nữa là tình trạng vé giả.
Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, VASCO, Pacific Airlines) và các cơ quan chức năng cho biết vừa ghi nhận một số trường hợp hành khách mua phải vé giả từ các website, tổ chức, cá nhân tự xưng là đại lý của hãng. Để tránh bị lừa mua vé giả, các hãng khuyến cáo hành khách nên mua vé trên kênh chính thức.
"Phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng mạo danh đại lý, tự tạo website, trang mạng xã hội với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo các mức giá rất hấp dẫn. Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng này sẽ gửi họ mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu chuyển tiền thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, chúng không xuất vé mà ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay nên sẽ tự hủy sau một thời gian, khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay" - đại diện Vietnam Airlines giải thích.
Thái Phương
Bình luận (0)