Chuyện năm nào cũng có người mua kẻ bán không hài lòng về nhau. Người bán ăn sương nằm gió hàng chục ngày giữa bãi hoa thì kêu bị người mua ép giá, còn người mua sau mấy lượt khảo giá lại trách tại người bán thách cao quá nên phải trả giá nhiều.
Ai cũng có cái lý của mình. Quy luật thị trường thuận mua vừa bán, đôi bên cùng có lợi chứ chẳng ai xin xỏ gì của nhau. Chỉ có điều đôi khi kẻ bán người mua nói qua nói lại những câu đau lòng, kiểu như: không bán thì rồi 30 cũng bỏ thôi, hét cho cao rồi bây giờ kêu lỗ… Những câu nói này đôi khi có thể chỉ là sự không cố ý nhưng cũng đủ làm người trồng hoa, bán hoa phải rơi nước mắt.
Chợ hoa 30 Tết rất đông người mua. Ảnh: Trương Khởi
Dù không phải là nhà vườn nhưng tôi tin ai cũng hiểu người trồng hoa phải vất vả cực khổ mới làm ra được những chậu hoa rực rỡ đúng ngày đúng tháng, không phải vì một hai vụ thua lỗ mà nói bỏ nghề là bỏ được. Thanh niên trai tráng còn bỏ nghề trồng hoa đi làm công nhân, chứ tuổi 50, 60 thì chuyển đổi nghề nghiệp là hơi khó.
Người mua hoa cũng có người nhiều tiền kẻ ít tiền, có người sẵn sàng bỏ chục triệu sắm chậu mai to nhưng cũng có người chỉ vài ba chục ngàn một chậu cúc vạn thọ nhỏ cũng phải đắn đo. Khi mà tiền thưởng Tết chỉ được vài ba trăm ngàn thì làm sao dám bỏ tiền triệu mà chơi hoa?
Giá như ngay từ ngày đầu khai trương chợ hoa Tết, người bán cứ căng biển, niêm yết giá cụ thể để người mua thay vì hỏi giá, lắc đầu, bỏ đi, trả giá rẻ… thì đã có giá sẵn đó rồi, ưng thì ghé lại mua còn không thì cứ đi hết vòng chợ rồi "liệu cơm mà gắp mắm".
Những ngày đầu chợ còn nhiều hoa đẹp đương nhiên giá sẽ cao hơn những ngày cuối. Dĩ nhiên có là niêm yết giá công khai đi chăng nữa thì tâm lý người đi mua chợ truyền thống không giống đi mua hàng trong siêu thị, ai cũng muốn được bớt chút đỉnh. Nếu người mua kẻ bán vui vẻ, nói năng hòa nhã với nhau thì bớt đôi ba chục ngàn cho cả hai bên đều có lộc cũng chẳng phải là chuyện to tát. Nhưng chắc chắn nếu đã có niêm yết giá rồi thì chuyện nói thách hay trả giá quá thấp sẽ bớt đi nhiều phần.
Bản thân tôi có thói quen mua hoa Tết từ khá sớm và cứ khi nào rảnh là lại dạo chợ để ngắm hoa, để tận hưởng không khí tấp nập, náo nức, rộn ràng khi người người cùng nhau đi sắm Tết. Không khí Tết đó làm sống lại ký ức tuổi thơ những ngày giáp Tết theo mẹ đi chợ quê.
Cảm xúc ấy, tinh thần ấy chẳng thể nào có nếu đi siêu thị, nơi mà hàng hóa xếp gọn gàng đâu ra đó, giá cả niêm yết chính xác đến từng trăm đồng lẻ và miễn kì kèo. Chưa khi nào nhà tôi đợi đến ngày cuối của chợ hoa để mua cho rẻ vì nói thật, "hoa cuối chợ cũng chẳng mấy còn chậu đẹp".
Thấy hoa là thấy Tết nên Tết đến dĩ nhiên là phải có hoa tươi trong nhà, không ít thì nhiều nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người phải thắt chặt chi tiêu, giảm bớt những khoản có thể giảm được như hiện nay thì sẽ hiếm có chuyện người dân bất chấp đắt rẻ để tậu về cho được chậu mai đẹp, cây quất sum suê trái.
Bởi vậy, người trồng hoa, buôn hoa cũng phải đau đầu với bài toán cung cầu sao cho đêm 30 không phải lau nước mắt mà chở hoa về nhà. Còn người mua nếu ưng ý thì lấy sớm còn không cũng đừng buông lời cay đắng mà tội nghiệp cho hoa! Kẻ bán người mua thấu hiểu nhau một chút, cảm thông nhau một chút để ai cũng được có Tết!
Bình luận (0)