Vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành lệnh cấm đối với 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975. Tiếp đó, đêm nhạc “Nối vòng tay lớn” (do Trường ĐH Y Dược Huế và gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) tổ chức lại gặp khó khăn do trong chương trình có 4 bài hát, trong đó có bài “Nối vòng tay lớn” chưa được cấp phép phổ biến. Những thông tin liên tiếp này đã thật sự gây “sốc” trong dư luận.
“5 bài hát trước năm 1975 bị tạm dừng lưu hành đều là những bài hát đã được cấp phép phổ biến và tồn tại nhiều năm nay, sao bỗng dưng lại cấm lưu hành? Những lý do Cục NTBD đưa ra hoàn toàn không thuyết phục. Nếu có sai sót về việc sửa lời hay tên tác giả thì điều chỉnh cho đúng, việc gì phải cấm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nghệ sĩ, những nhà tổ chức biểu diễn cũng như công chúng? Những việc này đã gây hiểu lầm, suy diễn không có lợi cho đời sống văn nghệ và chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng và nhà nước” - bạn đọc Ngô Quốc Hùng bình luận.
Nói về việc ca khúc “Nối vòng tay lớn” bị “làm khó”, bạn đọc Trần Thị Nga bức xúc: “Ca khúc này đã rất nổi tiếng, được mọi người yêu thích, hát ở mọi nơi, được biểu diễn trong vô số chương trình ca nhạc, các sự kiện chính trị lớn của đất nước mấy chục năm qua, thậm chí được đưa vào sách giáo khoa, giờ mới vỡ lẽ chưa được cấp phép biểu diễn. Hóa ra lâu nay chúng ta đã phạm luật khi hát bài này? Thiệt là hết biết! Quản lý kiểu này thì quá cứng nhắc, máy móc. Tôi không ngại khẳng định đây chính là kiểu làm việc kém năng lực, lười suy nghĩ, sợ trách nhiệm”.
Theo nhiều bạn đọc, từ những vụ việc vừa qua cho thấy sự bất cập rất lớn trong việc phổ biến hàng ngàn ca khúc sáng tác trước năm 1975 khi nhiều bài hát nổi tiếng, được lưu truyền rộng rãi đứng trước nguy cơ bị cấm bất cứ lúc nào chỉ vì chưa “xin” nên chưa “cho”.
“Cục NTBD cho rằng không có đơn vị nào đứng ra xin phép phổ biến bài hát “Nối vòng tay lớn” nên không thể cấp phép vì cần phải có đối tượng xin cấp phép. Đó là quy định của pháp luật. Lạ thật, luật, nghị định, thông tư, quy định đều do con người đặt ra, nếu thấy không phù hợp thì phải kiến nghị sửa. Làm quản lý giỏi và có tâm thì phải chủ động, nắm kỹ công việc chứ không phải cứ “đổ thừa” cho quy định này nọ, ngồi chờ phải có người xin mới cho hay đưa ra những mệnh lệnh hành chính. Nên nhớ cơ quan nhà nước là để phục vụ cho nhu cầu của người dân, đem lại sự công bằng cho xã hội. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nên công bố những bài hát trước năm 1975 bị cấm, còn lại thì theo nguyên tắc “không cấm thì được phép” để tạo thuận lợi cho người dân. Đã hết cái thời không quản được thì cấm rồi” - bạn đọc Phạm Hoàng Phúc nhấn mạnh.
Bình luận (0)