Tuy nhiên, có nhiều thứ chúng tôi không thể nào giải thích được. Chẳng hạn, khi xem chương trình ca nhạc thiếu nhi trên tivi, nghe ca sĩ nhí hát bài "Thằng Cuội" của nhạc sĩ Lê Thương, cháu khó chịu: "Ba ơi, người già thì chúng ta đều kính trọng gọi là ông, bà, chú bác. Ở trường thầy cô dạy con như thế nhưng sao ca sĩ nhí lại hát "Có thằng Cuội già ôm một mối mơ…"? Ông Cuội già rồi, sao gọi là "thằng"? Như vậy là vô lễ phải không ba?". Tôi "cứng họng". Thú thật là tôi nghe bài hát "Thằng Cuội" từ lúc còn nhỏ nhưng chưa bao giờ để ý vấn đề này nên đành khất câu trả lời.
Lần khác, cô bé lại hỏi: "Sao chị Tấm ác thế mà truyện lại bảo là hiền từ như cô tiên vậy?". Rồi cháu dẫn chứng Tấm trả thù bằng cách dùng nước sôi để tắm Cám, lấy thịt Cám làm mắm cho dì ghẻ ăn…
Tôi thấy con nói có lý. Vấn đề thiện - ác trong truyện cổ tích Tấm Cám cũng đã được bàn luận rất nhiều nhưng chưa có hồi kết. Có người cho rằng Tấm vì bị hại quá nhiều nên buộc phải trả thù. Có người nói nếu là một người nhân hậu như cô tiên thì không nên trả thù tàn độc mà phải dùng yêu thương để xóa bỏ hận thù.
Là phụ huynh, tôi chỉ mong các chương trình truyền thông và nhà trường nên hạn chế hoặc ngưng đưa những bài hát, truyện cổ tích như thế này nhằm tránh gieo vào lòng trẻ những điều không hay. Dù đó là những tác phẩm nổi tiếng nhưng nếu không phù hợp với yêu cầu về giáo dục thì nên loại ngay. Kho tàng âm nhạc thiếu nhi cũng như văn học dân gian nước ta không thiếu những tác phẩm có giá trị nhân văn kia mà!
Bình luận (0)