Một lần nữa hình ảnh người Việt bị bêu xấu bởi 2 du khách ăn cắp bị bắt tại Thụy Sĩ. Thông tin về nhân thân của 2 người này cho thấy họ không hề khó khăn. Thế nhưng, lòng tham đã làm họ mờ mắt và bao nhiêu người khác cảm thấy bị xúc phạm.
Bạn đọc Ngô Văn Tiến nói thẳng: “Hành vi của một con người phụ thuộc vào hạnh kiểm cá nhân. Hạnh kiểm này được hình thành do giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Đáng tiếc, không phải lúc nào dù có đủ điều kiện người ta cũng có thể hình thành hạnh kiểm tốt. Giàu có, khỏe mạnh, có việc làm rất tốt thế nhưng sao họ lại hành xử kém đến thế. Qua việc này càng trân trọng bao con người khó nhọc, thiếu thốn nhưng luôn giữ mình trong sạch, không tham của người khác”.
Tất nhiên xã hội nào cũng vậy, sẽ có người tốt, kẻ xấu. Nhưng những cái xấu cứ thường xuyên diễn ra thì khó trách người khác nhìn nhận thành “đặc tính” của số đông. “Trong giáo dục, chúng ta thường quan tâm đến những vấn đề vĩ mô, những cảm xúc lớn lao, tinh thần quảng đại... mà quá xem nhẹ việc xây dựng và hoàn thiện nhân cách. Điều này đã giải thích phần nào câu chuyện dù được học hành đàng hoàng, có điều kiện phát triển tốt nhưng nhiều người ứng xử xã hội quá kém” - bạn đọc Trần Lâm nhìn nhận.
Từ vụ việc này, bạn đọc liên tưởng đến những tật xấu khác của nhiều người Việt ở nước ngoài như: lao động xuất khẩu gây gổ đánh nhau, buôn lậu, trồng cần sa, hành xử kém ở nơi công cộng... Những hành vi như trên khi ở trong nước diễn ra rất nhiều nhưng cách xử lý quá hời hợt, không “trị” đến nơi đến chốn nên không tạo cho người dân thói quen tuân thủ triệt để quy định của xã hội.
“Một đứa bé ở Singapore được dạy dỗ không xả rác nơi công cộng và chứng kiến sự nghiêm khắc của chính quyền với hành vi này nên dần lớn lên chúng sẽ tuân thủ quy định rất tốt. Ngược lại, một đứa bé hay ăn cắp vặt của bạn mà cha mẹ không nghiêm khắc dạy dỗ, nhận thấy hành vi này diễn ra trong xã hội cũng ít được xử lý rốt ráo thì lớn lên chúng cũng chẳng ngại ngần “cầm của người khác” khi có điều kiện” - bạn đọc Vĩ Thông phân tích.
Bình luận (0)