Các ngày 16, 17, 21-2, Báo Người Lao Động điện tử có loạt tin - ảnh phản ánh tình trạng nhếch nhác dọc bến Bạch Đằng, khu vực Cầu Mống và một số khu vực trung tâm TP HCM.
Nhếch nhác quá!
Bạn đọc hoilaughin cho biết đã nhiều lần phản ánh lên tổng đài 1022 nhưng không nhận thấy sự thay đổi. Dọc tuyến đường Tôn Đức Thắng, phố đi bộ Nguyễn Huệ…, bãi giữ xe, hàng rong thản nhiên bày bàn ghế trên vỉa hè và cả dưới lòng đường. Rác thải cũng từ đó mà ra. "Trong khi để có được vẻ đẹp của nơi này như hiện nay là từ tiền ngân sách. Tôi rất mong thành phố quyết tâm xử lý đến nơi đến chốn, tạo sự văn minh cho thành phố thân yêu của chúng ta" - bạn đọc hoilaughin viết.
Bạn đọc Van Nguyen chỉ thẳng: "Ngay tại ngã tư Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, nạn tiểu bậy làm ô nhiễm cả một vùng, khách du lịch nước ngoài đi ngang đều bịt mũi; nước rỉ ra từ xe gom rác thải sát vách hàng rào dự án bất động sản dở dang hàng chục năm qua. Ở trung tâm quận 1 mà quản lý đô thị thế này thì xấu hổ với khách du lịch quá. Ngoài ra, tại đường song hành An Phú - An Khánh (TP Thủ Đức) có kênh Đá Đỏ, được cho giữ lại (không lấp) để tạo cảnh quan. Ấy vậy mà rác thải bừa bãi, kênh thì ngày càng ô nhiễm, hôi thối".
Phân tích nguyên nhân, bạn đọc Le Dung cho rằng do việc xử lý rác không triệt để. Cụ thể nhân viên thu gom rác chưa làm tròn phận sự, có nhà 2-3 ngày mới được ghé lấy rác, rác hàng quán nhiều phải cho thêm tiền, nếu không thì để ngày sau đổ với "lý do xe đầy"... dẫn đến hôi thối, mất đoàn kết giữa các hộ dân và đó là một trong các lý do một số nhà dân tiện nhất là ném thẳng rác xuống sông, kênh rạch.
Bạn đọc Nguyễn Thúy Hoàng nêu thực tế có tình trạng dù được giao thường xuyên đi vớt rác tại các sông, kênh rạch nhưng một số đơn vị chỉ làm khi nào có đoàn kiểm tra, còn không thì dọn dẹp qua loa hoặc bỏ lơ.
Còn bạn đọc hoangcongnhu kết luận: "Có 2 lý do công viên bến Bạch Đằng không sạch. Thứ nhất, nơi đây thiếu thùng rác công cộng và thiếu nhà vệ sinh. Thứ hai, không có lực lượng chức năng xử phạt".
Nói về ô nhiễm ở khu vực Cầu Mống, bạn đọc Đoàn Hồng Loan cho biết thêm do đèn chiếu sáng hư nhiều nên nơi đây trở thành điểm tập kết cho nạn tiểu bậy nhưng lại không được vệ sinh.
Khu vực Cầu Mống trước khi Báo Người Lao Động điện tử phản ánh
Sau khi báo đăng
Những việc cần làm ngay
Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh, tình trạng vệ sinh ở khu vực bến Bạch Đằng, Cầu Mống đã sạch hơn. Tuy nhiên, chỉ ít hôm, rác lại xuất hiện. Nhiều bạn đọc cùng cho rằng tựu trung lại là vì ý thức của một số người còn quá kém. Bạn đọc vinnyck đề xuất: "Phạt thật nặng những ai không tuân thủ và thiếu ý thức. Cũng như thời gian đầu tuyên truyền đội mũ bảo hiểm, khó khăn lúc đầu rồi dần ai cũng quen và có ý thức".
Tuy nhiên, nhiều bạn đọc khác cho rằng cần nghiêm túc nhìn nhận thực trạng này và nên thấy trách nhiệm chính thuộc chính quyền địa phương, nhất là khi ý thức người dân chưa cao.
"Một số người bán hàng bày ghế dọc hai bên Cầu Mống rồi xả rác, nước và đồ ăn thừa ra cầu khiến bốc mùi hôi thối, rất phản cảm nhưng không thấy chính quyền xử lý. Đèn trên cầu vỡ, bóng hư cũng không được thay" - bạn đọc có nick Cuộc Sống nhận xét.
Bạn đọc Hoàng Trâm thẳng thắn đặt câu hỏi: "Lạ một điều là những khu vực tồn tại rác như thế sao chính quyền địa phương không thấy? Chẳng lẽ không có nguồn lực? Vậy sao khi báo chí vào cuộc thì lại dẹp được ngay và luôn? Vậy có nên xem lại năng lực quản lý địa bàn của lãnh đạo địa phương? Thành phố còn nhiều nơi như thế lắm. Nên ra quy định chủ tịch phường nào để địa bàn quản lý xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi, tiểu bậy, xả thải hôi thối… thì kỷ luật".
Một số bạn đọc đề nghị công ty vệ sinh môi trường cần cải tiến công tác làm sạch đẹp thành phố hiệu quả, chất lượng và văn minh hơn. "Cần chấm dứt cảnh xe rác dân lập thì treo móc bao, túi lủng lẳng, dừng xe bươi rác giữa đường; xe lấy rác thì đi "tưới" nước rỉ rác khắp các ngả đường…" - bạn đọc Duc Dung nêu. Bạn đọc cũng cho rằng báo chí nên tăng cường truyền thông; nhân viên đô thị cần đi tuần tra, kiểm soát nhiều hơn; địa phương cần gắn thêm camera giám sát… Đặc biệt nếu có chứng cứ thì buộc người vi phạm phải đi lao động công ích, dọn rác 1 tháng…
"Phát triển du lịch thì không thể bỏ lơi vệ sinh môi trường. Cần xử lý thật mạnh tay hơn để giữ gìn vệ sinh và mỹ quan đô thị" - bạn đọc Viễn Kính nhắn nhủ.
Phải làm lâu dài, liên tục
Nói về việc xử lý tình trạng xả rác, bán hàng rong, bạn đọc Nguyễn Văn Hưng cho rằng đã làm thì phải dứt khoát, lâu dài, liên tục, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
"Đừng chỉ làm khi báo chí phản ánh, được một vài tháng rồi lại thôi thì không bao giờ dẹp được. Người bán hàng rong không bán được tự họ sẽ phải kiếm việc khác để làm, để tồn tại mà không vi phạm pháp luật" - bạn đọc Hưng viết.
Bình luận (0)