Sau chương trình Cambridge nhiều điều tiếng, Sở GD-ĐT TP HCM lại gây sốc với đề án thí điểm sách giáo khoa điện tử, đưa học sinh lớp 1, 2, 3 ra “thí nghiệm”. Với đề án này, trong giai đoạn thí điểm, mỗi gia đình của 321.793 học sinh lớp 1, 2, 3 các trường công lập phải bỏ ra từ 3-5 triệu đồng để mua máy tính bảng cho con em mình. Không chỉ là gánh nặng tiền bạc, nỗi lo của các gia đình còn là việc con em mình sẽ phát triển ra sao khi tiếp xúc với máy tính bảng quá sớm?
Dưa luận không đồng tình với đề án sách giáo khoa điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, buộc học sinh lớp 1,2,3 phải sử dụng máy tính bảng
Bày tỏ thất vọng về đề án ngốn ngàn tỉ này, bạn đọc Vũ Phong cho rằng ai cũng thấy các tiện ích không thể phủ nhận của công nghệ nhưng với các em nhỏ thì phát triển tư duy, sáng tạo và rèn luyện kỹ năng căn bản làm cơ sở vững chắc cho quá trình hòa nhập và phát triển trong cộng đồng mới là quan trọng. Việc này công nghệ dù có tối ưu mấy cũng không thể làm thay được. “Nếu chỉ tìm cách “tiêu” cho hết tiền và khoa trương thành tích thì chỉ cần 5 năm nữa thôi, chúng ta sẽ gặp những đứa trẻ rất khó khăn khi nhẩm các phép tính, chữ viết và chúng sẽ là những con robot biết nói” - bạn đọc Vũ Phong lập luận.
Trong bức thư dài gửi về Báo Người Lao Động, bạn đọc Võ Tá Luân nhấn mạnh: “Cái cần dạy cho học sinh đầu cấp tiểu học tập viết sao cho chuẩn, tập tư duy sáng tạo, tập chuyên cần, đạo đức, biết yêu thương đồng loại, cây cỏ, động vật... Cần giúp các em làm quen với con số, chữ viết, biết cộng trừ, nhân chia chứ không phải dựa dẫm vào những gì đã có sẵn trong máy tính bảng”...
Với nhiều bạn đọc, áp dụng sách giáo khoa điện tử ở bậc tiểu học sẽ hại nhiều hơn lợi. Đó là lý do mà 97% trong tổng số 634 bạn đọc tham gia trả lời ý kiến trên Báo Người Lao Động (tính đến 18 giờ ngày 20-8) không ủng hộ đề án sách giáo khoa điện tử 4.000 tỉ đồng của Sở GD-ĐT TP HCM.
“Xin đừng tròng thêm gánh nặng lên cuộc sống người dân và xin đừng bắt các em phải gánh chịu hết thí điểm này đến... thí nghiệm khác” - bạn đọc Võ Thưởng bày tỏ. Còn theo bạn đọc Duy Đức: “Chúng tôi không thể đem tương lai và sức khỏe của con em mình cho người ta thí điểm được. Chúng tôi muốn con em mình thành người có tư duy chứ không giống như những chú robot. Cuộc sống giờ nhiều lo toan quá, ra đường sợ xe buýt, cây đè còn vào trường thì sợ con mình bị làm thí điểm”...
Bình luận (0)