Trước đó hai hôm, một vụ tai nạn thương tâm khác xảy ra trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) khi thiếu niên 14 tuổi chở bạn bằng xe máy va chạm với xe của lực lượng tuần tra, ngã ra đường và bị xe khách từ phía sau tông trúng khiến 1 người tử vong.
Từ ngày 15-12-2022 đến 14-10-2023, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh (HS) độ tuổi từ 6-18 tuổi là 881 vụ, làm chết 490 người, bị thương 827 người. Trong đó, có 737 vụ do thiếu niên, HS dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ TNGT, làm chết 378 người, bị thương 658 người.
Thông tin trên được báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức ngày 2-11. Những con số phản ánh bức tranh thực tế đáng báo động về tỉ lệ TNGT liên quan HS có đủ sức đánh động các bậc phụ huynh quan tâm hơn đến sức khỏe, tính mạng của con và mọi người xung quanh?
CSGT dừng xe một học sinh để kiểm tra ở quận 6, TP HCM Ảnh: ANH VŨ
Tình trạng HS vi phạm ATGT liên quan đến việc điều khiển xe phân khối lớn không phù hợp lứa tuổi, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người, đánh võng, lạng lách như một hiện thực nhức nhối suốt bao năm qua.
Nhà trường và chính quyền địa phương đã triển khai công tác giáo dục pháp luật về giao thông cho học sinh, năm học nào cũng yêu cầu phụ huynh ký cam kết nhưng dường như phụ huynh đặt bút ký vào tờ giấy cam kết như một thủ tục, sau đó vẫn thản nhiên giao xe phân khối lớn cho con.
Mỗi đợt ra quân xử lý vi phạm ATGT, chúng ta lại bắt gặp vô vàn lý do bao biện từ phụ huynh khi trẻ bị công an thổi phạt. Những việc này đang khiến nỗ lực xây dựng văn hóa giao thông của cộng đồng gặp vô vàn trở ngại.
Đã đến lúc không thể nhân nhượng với hành vi vi phạm luật giao thông.
Nên xử phạt thật nghiêm, gia tăng mức phạt cũng như ràng buộc trách nhiệm pháp lý với phụ huynh vẫn còn thờ ơ với ATGT.
Cùng với đó, sự uốn nắn, giáo dục của gia đình, nhà trường cùng các quy định ràng buộc từ xã hội chặt chẽ, nghiêm khắc sẽ khiến trẻ không dám vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Chọn sự an toàn hay mạo hiểm cho gia đình? Chọn tương lai bền vững hay tháng ngày bất an trước hiểm họa TNGT? Làm một tấm gương tốt cho trẻ soi chiếu văn hóa giao thông hay trưng ra một gương xấu xí về hành vi thiếu ý thức? Tất cả phụ thuộc vào người lớn.
Bình luận (0)