Chị Nguyễn Thị Thiết mất ăn, mất ngủ vì đàn heo đã quá ngày xuất chuồng nhưng không bán được
Tẩy chay chất cấm
Tại cuộc họp bàn những giải pháp cấp bách đẩy lùi “cơn lốc chất cấm” để cứu những hộ chăn nuôi do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 27-3, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, khẳng định: “Thịt heo lúc này vừa rẻ vừa an toàn hơn trước”. Ông Công cho rằng giá thịt heo giảm do người tiêu dùng (NTD) ngán ngại chất cấm, còn an toàn là vì cơ quan chức năng đang trong đợt cao điểm truy quét các trường hợp sản xuất, sử dụng chất này.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, NTD hãy chọn thịt heo an toàn để sử dụng. Không nên mua thịt từ những lò mổ chui, không có dấu kiểm định thú y. Nếu phát hiện thịt heo bày bán có nạc đến sát da thì tuyệt đối không mua vì nhiều khả năng đã nhiễm chất cấm.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến người nuôi heo sử dụng chất cấm là do chạy theo thị hiếu NTD - thích thịt nạc, không mua mỡ. Theo ông Quang, mỡ cũng có tác dụng riêng, nên chọn loại thịt có nạc kèm tỉ lệ mỡ hài hòa. Đây là một trong những biện pháp tẩy chay chất cấm hiệu quả.
Những ngày qua, do bán không được nên thịt heo ứ đọng ở các chợ rất nhiều. Phần lớn thịt này sau đó đổ về các chợ công nhân, sinh viên. Ông Quang khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe, NTD nên quan sát kỹ, tránh mua thịt ôi thiu, dễ gây ngộ độc.
Thương lái ép giá
Nhiều ngày qua, đến trang trại, hộ chăn nuôi nào ở Bình Dương, Đồng Nai…, chúng tôi cũng bắt gặp những khuôn mặt nặng trĩu vì âu lo.
“100 con heo của tôi đợi xuất chuồng gần cả tháng nay vì bán không được. Tháng trước, tôi bán 50.000 đồng/kg, giờ ra giá 43.000-44.000 đồng/kg, chấp nhận lỗ mà thương lái không chịu mua. Lợi dụng lúc heo bán không được, thương lái ép giá dữ lắm. 100 con heo “giam chuồng” này mỗi ngày ăn cả mấy thùng phuy cám, gia đình tôi sắp cạn túi rồi” - chị Nguyễn Thị Thiết, chủ trại nuôi heo ở xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An - Bình Dương, rầu rĩ.
Cam kết không dùng chất cấm Để chứng minh sự “trong sạch” của mình, khoảng 700 hộ chăn nuôi ở 2 huyện Thống Nhất và Trảng Bom – Đồng Nai đã tự nguyện làm cam kết không dùng chất cấm. Trong khi đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc lấy mẫu xét nghiệm ở các trang trại, hộ chăn nuôi và đồng loạt kiểm tra những cơ sở bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn. |
Bình luận (0)