Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị tăng giá điện, lý giải lỗ hơn 31.000 tỉ đồng năm 2022, nếu vẫn giữ như hiện nay thì đến hết tháng 5-2023 sẽ lỗ lũy kế hơn 93.000 tỉ đồng.
Tăng giá để bù lỗ (?)
Cứ mỗi lần nhắc đến tăng giá điện lại dấy lên nỗi băn khoăn bởi tác động lớn đến đời sống xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo theo tăng giá các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng khác, cùng với đó là sự hoài nghi bởi hầu như lần nào lý do nêu ra cũng giống nhau là bù lỗ.
Nhìn nhận thực tế, giá điện dù tăng cao thế nào chăng nữa, người tiêu dùng cũng phải chấp nhận vì không có sự lựa chọn khác. EVN đến nay vẫn độc quyền kinh doanh phân phối mua bán điện, ai có nhu cầu cung cấp đều bán cho EVN, ai sử dụng cũng đều phải mua ở EVN. Mỗi lần kiến nghị tăng giá điện, các thông tin nêu ra chỉ mang tính chất chung với phần lớn là những quy định, văn bản hay thông báo số tiền kinh doanh bù lỗ, hiếm khi thấy những thông số cụ thể để chứng minh.
Công nhân bảo trì lưới điện tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Người dân cũng là khách hàng luôn muốn biết chênh lệch giữa chi phí sản xuất, hình thành giá điện cùng thông số đầu vào cho các khâu truyền tải, phân phối, bán lẻ, chi phí quản lý, lời lỗ khâu nào với từng dự án để chấp nhận giá điện.
Bởi rằng giá điện bình quân bán cho người dân sử dụng được lập trên các thông số này, cung cấp những thông tin đó không có gì khó, không phải là tài liệu mật, không có trong danh mục bảo vệ bí mật theo quy định. Đặc biệt với ngành điện không có sự cạnh tranh truyền tải, giá mua bán điện cũng là hình thức độc quyền càng phải kịp thời công khai minh bạch thông tin.
Minh bạch để củng cố niềm tin xã hội
Còn nhớ chủ trương áp dụng công nghệ thu phí tự động trong giao thông BOT, các chủ đầu tư dự án cứ trì hoãn nhiều năm và muốn "quay lưng" lại với công nghệ này. Chính phủ đã phải chỉ đạo quyết liệt, thậm chí đưa ra thời hạn trạm BOT nào không áp dụng công nghệ tự động thì dừng thu phí, lúc đó các chủ đầu tư mới làm xong.
Rõ ràng sự nhập nhèm, khuất tất dễ dàng che giấu sự thật. Chỉ một đợt kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng đã cắt giảm thời gian thu phí gần 100 năm tại 13 dự án BOT. Công khai, minh bạch giúp phát hiện bất cập, sai sót và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nhưng gặp rào cản lớn chính là bộ phận cán bộ sợ bị phát hiện những hành vi sai trái, tiêu cực, mất đi những món lợi bất chính rất lớn.
Công khai, minh bạch đầy đủ là rất cần thiết để từ vĩ mô ban hành các chính sách, quy định giúp điều hành đi đúng quỹ đạo. Giá điện liên quan đến người dân, công khai minh bạch chính là phương tiện giúp làm sáng tỏ và củng cố niềm tin xã hội. Cũng giống lĩnh vực viễn thông, xăng dầu muốn có cơ chế thị trường điện thì phải giảm vai trò sở hữu đối với EVN, giảm tối đa các đơn vị trực thuộc (hầu hết giữ nguyên chưa được tách ra), đẩy mạnh cổ phần hóa, hạch toán độc lập, có nhiều đơn vị cạnh tranh cung cấp dịch vụ.
Tình trạng thua lỗ kém hiệu quả trong hoạt động đầu tư kinh doanh, mua bán điện nhiều năm qua đã được cảnh báo càng phải xem đó là căn cứ thúc đẩy cải cách mạnh mẽ cơ chế thị trường điện có cạnh tranh chứ không phải là lý do để trì hoãn chủ trương cổ phần hóa, xã hội hóa.
Trong bối cảnh còn độc quyền, trước kiến nghị tăng giá điện cần có thêm Kiểm toán Nhà nước hoặc Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ nhằm kịp phát hiện sơ hở hay sai sót (nếu có) để sớm khắc phục, giúp thực hiện đúng các quy định pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý điều hành, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan.
Đã đến lúc có những biện pháp mạnh hơn về đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa ngành điện, quy trách nhiệm cá nhân tổ chức thực hiện cụ thể. Bên cạnh sự theo dõi quản lý điều hành từ Bộ Công Thương, nếu Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng tham gia theo dõi giám sát độc lập sẽ khách quan hơn trong tiến trình hoạt động ngành điện theo cơ chế thị trường có cạnh tranh.
Phát triển điện gió, điện mặt trời
Thế giới dần chuyển qua sử dụng năng lượng tái tạo nhằm tránh cái giá phải trả như tác hại đến môi trường, gián tiếp gây ra nạn phá rừng quy mô lớn… Nước ta có thuận lợi với nắng, gió. Chính phủ cũng đã có chủ trương phát triển điện gió, điện mặt trời. Hà cớ gì EVN không tranh thủ tận dụng tiêu thụ lượng lớn điện gió, điện mặt trời cho các nhà đầu tư trong nước; đồng thời, điều chỉnh lại mục tiêu khai thác nguồn năng lượng tái tạo này sao cho hiệu quả mà lại tính những chuyện khó khăn hơn vừa phụ thuộc nhập khẩu than, khí, nguyên liệu nước ngoài để sản xuất điện?
Nguồn năng lượng tái tạo có thể dần thay thế thủy điện, điện than và thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh điện theo thị trường cạnh tranh. Cần có quy hoạch phù hợp với các chính sách hoàn vốn, lợi nhuận và ưu đãi về thuế, đất đai, đơn giản hóa thủ tục để thu hút nhà đầu tư. Đây cũng là một trong các giải pháp chủ động bảo đảm an ninh năng lượng, huy động các nguồn lực xã hội phát triển điện từ nguồn năng lượng tái tạo bổ sung vào hệ thống điện quốc gia.
Bình luận (0)