xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng xin lỗi cho xong chuyện!

QUANG VINH

Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan công quyền càng bớt xin lỗi dân càng tốt và quan trọng nhất là phải khắc phục chứ xin lỗi cho xong chuyện thì chả giải quyết được gì

Sau các địa phương như TP Đà Nẵng, TP HCM..., mới đây tỉnh Quảng Nam đã ban hành quy định về trách nhiệm công khai xin lỗi của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính.

Làm thủ tục hành chính tại cơ quan công quyền, người dân rất mong được hoàn tất nhanh, gọn. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Làm thủ tục hành chính tại cơ quan công quyền, người dân rất mong được hoàn tất nhanh, gọn. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết quy định nêu rất cụ thể từng đối tượng vi phạm các hành vi như thế nào thì phải công khai xin lỗi. Trong đó, không chỉ bộ phận tiếp nhận, trả hồ sơ mà cán bộ các phòng, ban và đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng phải công khai xin lỗi nếu vi phạm.

Quy định nêu rõ khi có phản ánh trực tiếp của người dân hoặc qua đường dây nóng, hộp thư góp ý, tại các buổi họp, bài viết trên báo… thì trong vòng 5 ngày, người đứng đầu phải chỉ đạo kiểm tra, xác minh và chịu trách nhiệm về kết quả xác minh. Nếu phản ánh chính xác thì phải chỉ đạo người vi phạm xin lỗi công khai. Nếu thông tin không đúng thì có văn bản thông báo lại cho người phản ánh. Người đứng đầu vi phạm phải trực tiếp thực hiện công khai xin lỗi.

Việc xin lỗi được thực hiện thông qua “Thư xin lỗi” do lãnh đạo ký gửi, nội dung phải đủ các thông tin về người xin lỗi, hành vi vi phạm, giải thích nguyên nhân, cam kết biện pháp và thời gian khắc phục. Thư xin lỗi được lập thành 3 bản, 1 bản gửi cho cá nhân, tổ chức, 1 bản niêm yết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, 1 bản được lưu hồ sơ của người vi phạm để làm cơ sở xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ…

Để quy định được thực hiện hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra các chế tài: Trong 1 năm công tác mà công chức, viên chức có thư xin lỗi lần thứ hai trong cùng một thủ tục hành chính đối với cùng một cá nhân, tổ chức thì bị xem xét kỷ luật, chuyển đổi công tác; 3 lần phải công khai xin lỗi trở lên thì là một trong những căn cứ để xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, bị chuyển khỏi vị trí đang công tác và xem xét xử lý; người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu có quá 3 lần xin lỗi trong 1 năm thì bị xem xét kỷ luật và còn phải công khai xin lỗi trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Trần Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, nói: “Nếu người dân cảm thấy khó khăn thì nên phản ánh qua đường dây nóng đã được công bố. Chúng tôi sẽ theo dõi kỹ và thực hiện nghiêm”.

 

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc:

Càng bớt xin lỗi càng tốt

Tôi rất hoan nghênh cách làm của tỉnh Quảng Nam. Đây là một quy định tốt, thể hiện rất rõ thái độ thẳng thắn, trách nhiệm của người làm sai nhưng điều quan trọng hơn lời xin lỗi là cách sửa chữa. Càng bớt xin lỗi càng tốt và quan trọng nhất là phải xử lý chứ xin lỗi cho xong chuyện thì chả giải quyết được gì. Người dân hay nói vui là “dân đâu có nhiều lỗi để mà xin”.

Năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước phát động phong trào “đời sống mới”, làm sao cho người dân ý thức được mình không còn là thần dân nữa mà là công dân. Có rất nhiều khẩu hiệu hay, treo ở công sở như “Cán bộ không phải là quan, dân không được gọi cán bộ bằng cụ xưng con nhưng dân phải tôn trọng cán bộ”. Tức là họ dạy cách ứng xử trong đời sống xã hội để mỗi người nhận thức được vị trí của mình và quan hệ của mình với người khác.

Công chức nhũng nhiễu dân phải công khai xin lỗi là làm cho người dân ý thức được quyền của mình. Bên cạnh quyền của mình, người dân cũng phải tôn trọng người làm công vụ nhà nước. Hai cái này phải tương xứng với nhau. Để quy định này khả thi cần có sự vào cuộc của người dân. Họ phải thay đổi suy nghĩ, ý thức được quyền của mình để ứng xử phù hợp; nếu hạ mình để được việc thì sẽ mãi không đạt hiệu quả, cán bộ cũng sẽ nhũng nhiễu mà thôi.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam:

Sẽ khả thi

Cán bộ, công chức làm sai phải xin lỗi là rất đúng và khả thi nhưng cần kèm theo nhiều chế tài. Công chức hành dân, làm sai, nhũng nhiễu thì nên dần loại bỏ. Cán bộ, công chức chân chính sẽ rất hoan nghênh vì khi họ biết sai mà xin lỗi thì đó là một bài học để phấn đấu. Với tôi, là lãnh đạo nếu làm sai, làm chậm thì mình xin lỗi liền, sau họp lại bàn xem làm cách nào nhanh cho dân. Với quy định này, cán bộ lâu nay nhũng nhiễu, làm chậm việc chắc chắn sẽ thay đổi và làm tốt hơn.

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng:

Phục vụ tốt hơn

Việc xin lỗi đã được TP Đà Nẵng thực hiện từ năm 2012. Theo đó, hồ sơ tiếp nhận nhưng không giải quyết được thì cán bộ phải trả lại cho người nộp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận, kèm văn bản thông báo rõ lý do; giải quyết hồ sơ chậm hơn thời gian quy định thì phải có trách nhiệm thông báo lý do bằng văn bản và xin lỗi công dân, tổ chức; chậm từ 2 lần trở lên mà không có lý do chính đáng thì tùy theo mức độ sẽ bị xem xét xử lý hoặc thay đổi công tác.

Nếu biết cách làm thì tính khả thi rất cao. Tại TP Đà Nẵng, tính khả thi cao là nhờ gắn camera tại nơi tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của công dân. Nhờ vậy, lãnh đạo có thể theo dõi được cán bộ làm việc như thế nào. Sự chặt chẽ này đã đổi mới mạnh mẽ cách làm việc của cán bộ, công chức, hướng tới việc phục vụ người dân tốt hơn. Ai cũng có lòng tự trọng, chẳng ai muốn xin lỗi bằng văn bản nhiều lần vì điều đó thể hiện năng lực kém của cán bộ.

Ông Lê Văn Quyết, ngụ TP Vinh, tỉnh Nghệ An:

Phải tự nguyện

Công chức nhũng nhiễu, cửa quyền, gây khó khăn cho người dân mà biết nhận ra cái không đúng của mình rồi xin lỗi thì rất tốt, người dân sẽ tin tưởng vào bộ máy công quyền. Thực tế, ở nước ta có một bộ phận không nhỏ công chức biểu hiện cửa quyền, làm sai nhưng không chịu nhận lỗi. Công chức làm sai phải công khai xin lỗi người dân mà không có các chế tài, quy định bắt buộc thì theo tôi, rất khó thực hiện. Bởi công chức làm sai đã bị xử lý theo Luật Công chức, xử lý hành chính, còn việc xin lỗi lại là phép xã giao mang tính đạo đức, văn hóa. Xin lỗi phải gắn với sự tự nguyện, phải thực sự nhận ra lỗi lầm của mình thì mới tốt. Nếu quy định máy móc rất dễ dẫn đến tình trạng hình thức, hô khẩu hiệu, nhiều người nói lời xin lỗi xong nhưng không ý thức được việc mình đã làm sai để lần sau khắc phục, sửa chữa.

Ph.Anh - H.Dũng - Q.Vinh - Đ.Ngọc ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo