Sau khi có kết quả bay thử nghiệm đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM trên mô hình buồng lái giả định (SIM) chỉ tiết kiệm được 5 phút so với đường bay hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết vẫn tiếp tục tháo gỡ những vấn đề liên quan để xem xét khả năng hiện thực hóa đường bay này.
Đàm phán giảm phí quá cảnh
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh cho biết trong báo cáo kết quả bay thử nghiệm gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng, cục đề xuất bộ trưởng tiếp tục chỉ đạo, cho phép giải quyết một số vấn đề lớn. Theo đó, làm việc với Bộ Quốc phòng về tổ chức lại vùng trời; đàm phán với Lào và Campuchia để giảm giá điều hành bay quá cảnh.
Cục HKVN sẽ tiếp tục xây dựng, cụ thể hóa phương án đường hàng không và phương thức bay; lấy ý kiến của các bên liên quan như Bộ Quốc phòng, các hãng HKVN Đồng thời, cục sẽ đàm phán, thỏa thuận với các đối tác Lào và Campuchia về thông số kỹ thuật cụ thể của đường bay, phương thức điều hành bay, phối hợp điều hành bay, các điểm giao cắt, các điểm chuyển giao biên giới của đường hàng không.
Hiện nay, phí điều hành bay quá cảnh mà Lào thu đối với chuyến bay quốc tế bằng máy bay A321 là 225 USD/lượt, Campuchia là 412 USD/lượt. Như vậy, mỗi chuyến bay khứ hồi phải trả 1.274 USD. Theo đề xuất của hãng hàng không, Cục HKVN đã thảo luận với các nước giảm 50% phí quá cảnh nhưng phía Lào và Campuchia vẫn đang chờ xin ý kiến chính phủ.
Riêng phí điều hành bay của Việt Nam có thể đề xuất giảm vì Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam tính theo 2 mức: dưới 500 km và trên 500 km. Bay theo đường bay hiện hữu hay theo đường bay thẳng đều có thời gian bay trong lãnh thổ Việt Nam trên 500 km nên mức phí không đổi, vẫn là 150 USD/chuyến. Cục HKVN sẽ đề nghị Bộ GTVT đề xuất Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh mức phí này. Về vấn đề tổ chức lại vùng trời, Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đã cùng thống nhất trong thời bình, ưu tiên vùng trời cho khai thác hàng không dân dụng.
Đề xuất JICA kiểm tra lại
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về kết quả bay thử nghiệm chỉ rút ngắn được 85 km, khá thấp so với mức dự kiến 142 km của Cục HKVN, cựu phi công quân đội Mai Trọng Tuấn - tác giả “đường bay vàng” - cho rằng vì đường bay hiện hữu đã được nắn thẳng một lần, bên cạnh nhiều yếu tố khác tác động như vận tốc, khí tượng… cũng có thể làm sai lệch vài phút bay.
Cục HKVN khẳng định kết quả bay thử nghiệm đã được thực hiện so sánh giữa 2 chuyến bay tương đồng về trọng tải, nhiên liệu, sức gió… và đều được khai thác trong điều kiện bay tối ưu. Giữa 2 chuyến bay chỉ khác nhau về đường bay và đương nhiên là khác nhau về phương thức cất/hạ cánh.
Ông Lại Xuân Thanh còn cho biết đang đề nghị Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) kiểm tra lại kết quả bay thử nghiệm. Lý do Cục HKVN đề xuất JICA kiểm tra không phải vì kết quả bay SIM có đáng tin cậy hay không mà để cơ quan này tính toán xem đường bay, phương thức bay mà cục đưa ra đã phải là tối ưu hay chưa bằng phương pháp, thiết bị máy móc của họ.
“Vấn đề hiện thực hóa đường bay thẳng không phải là chuyện làm rõ ai đúng, ai sai. Đây là việc làm cần thiết để hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp hàng không” - ông Thanh nhìn nhận.
Theo Cục HKVN, giả sử các nước bạn đồng ý giảm phí điều hành bay, chi phí nhiên liệu tiết kiệm được có thể hòa vốn với phí quá cảnh thì cục cũng đề xuất bay thẳng. Bởi lẽ, như vậy sẽ được lợi ích về thời gian cho hành khách cũng như khấu hao cho hãng hàng không.
Không tin tưởng kết quả bay thử nghiệm
TS Trần Đình Bá, một trong vài người đề xuất “đường bay vàng”, cho biết ông không tin tưởng lắm vào kết quả bay thử nghiệm. Trước đây, Cục HKVN và Vietnam Airlines liên tục kêu khó khăn khi không đàm phán được với nước bạn, phải gặp 13 đường giao cắt mới, khó phân chia vùng trời, vùng cấm bay… Đến khi Bộ trưởng Bộ GTVT đàm phán thành công với nước bạn thì lại bảo phí quá cao sẽ bị lỗ. Nay bay thử nghiệm mà không lập và công khai quy trình thử nghiệm, phải thuê buồng lái giả định (SIM) ở nước ngoài...
T.Phương
Bình luận (0)