Đơn cử như sáng đầu tuần vừa qua, mới ra khỏi nhà, ngay cột đèn xanh đèn đỏ đầu tiên, tôi đã phải lách tránh khẩn cấp một người đàn ông lớn tuổi vượt đèn đỏ, bất chấp phía trước nhiều người dừng xe ở vạch chờ.
Chưa kịp thở phào, tôi lại thót tim bởi một chiếc xe máy lách lên từ bên phải tôi rồi lao vút đi. Trên xe là một người đàn ông chở theo 2 đứa con nhỏ đeo cặp.
Đường đến trường phải qua một cây cầu, giờ cao điểm thường kẹt xe cả đoạn dài, phải nhích từng chút một. Vậy mà sau lưng tôi, tiếng còi xe cứ thúc giục, yêu cầu tôi leo lề hoặc tránh đường để họ đi. Một ông bố trẻ chở phía trước bé gái chừng 3-4 tuổi hăng hái lao lên lề; bánh xe trước xoay ngang, chiếc xe chút xíu nữa lật nhào nhưng anh ta vẫn không nao núng. Chạy được một đoạn ngắn, nhóm người leo lề cùng ông bố trẻ gặp một nhóm leo lề khác chạy ngược chiều lại. Không ai nhường ai, tiếng còi xe cứ thế inh ỏi cả một góc đường.
Thoát cảnh kẹt xe, tôi lại chứng kiến cảnh một phụ nữ chở theo 3 học sinh, đứa có mũ bảo hiểm, đứa không, cứ thế chạy vun vút trên đường. Đến khúc cua, chỉ chút xíu chị ta đã va quệt với chiếc xe của một người đàn ông cũng đang vội vàng chở con đi học vừa lách qua đầu một chiếc xe buýt. Mọi người bị một phen hoảng vía.
Mỗi năm tại Việt Nam, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng trên 10.000 người. Con số đó khiến ai nghe qua cũng rùng mình, lo sợ. Thế nhưng, vượt đèn đỏ, leo lề, phóng nhanh vượt ẩu... dường như đã là thói quen ăn sâu vào máu, nó lấn át nỗi sợ hãi khiến nhiều người xem chuyện vi phạm luật giao thông là chuyện... bình thường. Thiết nghĩ, cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông từ nhà trường đến địa phương; đặc biệt xử phạt thật quyết liệt, nghiêm khắc những hành vi vi phạm để mỗi người khi ra đường luôn đề cao ý thức, có trách nhiệm với mình và cộng đồng.
Bình luận (0)