Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, cho biết đến ngày 16-4, phòng chỉ mới biết thông tin Thành ủy - UBND TP có chủ trương hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng cho mỗi chiến sĩ CSGT khi làm nhiệm vụ trên đường, chứ chưa nhận được văn bản, hướng dẫn gì. Vì thế, đến nay, lực lượng CSGT Đà Nẵng vẫn chưa nhận được số tiền hỗ trợ này.
Hỗ trợ, không phải “dưỡng liêm”
Theo đại tá Nguyễn Đến, chủ trương hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng nhằm động viên anh em CSGT làm việc hiệu quả hơn, góp phần thực hiện Năm an toàn giao thông (ATGT) của TP Đà Nẵng đạt hiệu quả cao. Ông Đến cho rằng khi làm nhiệm vụ mà vi phạm kỷ luật, CSGT sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của ngành công an. Vì vậy, không nên dùng chữ “dưỡng liêm” thay cho tiền hỗ trợ, bởi nếu thế thì nhiều lực lượng khác cũng cần.
CGST Trạm Cửa Ô - Đà Nẵng lập biên bản xử phạt tài xế ô tô vi phạm luật giao thông. Ảnh: HOÀNG DŨNG
Trước đó, đầu tháng 3-2012, tại cuộc gặp chiến sĩ Công an TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh thông báo chủ trương TP sẽ có chính sách hỗ trợ tiền hằng tháng cho CSGT nhằm hạn chế nạn nhận mãi lộ trong lực lượng này. Trong cuộc họp báo thường kỳ do UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 28-3, trả lời thắc mắc về nguồn tiền “dưỡng liêm” này, ông Văn Hữu Chiến cho biết hoàn toàn không lấy từ ngân sách mà được trích từ khoản thu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT. Theo ông Chiến, không phải toàn bộ lực lượng CSGT của TP đều được “dưỡng liêm” mà chỉ những người trực tiếp thi hành nhiệm vụ trên đường mới được nhận.
Không được chi vượt khung
Trong khi đó, ông Đỗ Việt Đức, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước - Bộ Tài chính, cho biết theo Thông tư 89/2007 của Bộ Tài chính, 100% tiền thu phạt vi phạm ATGT được sử dụng cho công tác bảo đảm trật tự ATGT như mua sắm trang thiết bị và đầu tư cho những chủ thể làm công tác này, trong đó có lực lượng công an.
Thông tư 89/2007 cũng hướng dẫn cụ thể mức chi hằng tháng và chi theo trực ban. Cụ thể, mức chi bồi dưỡng đối với lực lượng CSGT trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự ATGT là 700.000 - 1,5 triệu đồng/người/tháng; cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự giao thông ban đêm được bồi dưỡng thêm 100.000 đồng/người/ca.
Về việc dùng tiền ngân sách chi hỗ trợ công tác bảo đảm trật tự ATGT, ông Đức cho rằng theo nguyên tắc là được nhưng phải tuân thủ Thông tư 89/2007. TP Đà Nẵng nếu ứng tiền từ ngân sách địa phương để chi hỗ trợ lực lượng CSGT làm nhiệm vụ cũng không sai nhưng không được chi vượt khung, đồng thời phải phụ thuộc và chủ động nguồn để sau đó bù lại. “Nếu gọi việc đó là khoản chi “dưỡng liêm” thì có thể còn gây tranh cãi” - ông Đức nhận xét.
Cục CSGT ủng hộ Đà Nẵng Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 16-4, thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông - Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an), cho rằng chắc chắn lãnh đạo TP Đà Nẵng đã cân nhắc kỹ dưới góc độ pháp luật cũng như ngân sách địa phương trước khi quyết định hỗ trợ cho lực lượng CSGT. Theo ông Sơn, năm 2012 là Năm ATGT với quyết tâm giảm 5%-10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương; giảm 10%-20% số vụ ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn. Để thực hiện mục tiêu đó, mỗi địa phương phải có những biện pháp hết sức quyết liệt và cần phải đặt chủ trương của Đà Nẵng trong hoàn cảnh này. “Lực lượng CSGT thường xuyên túc trực trên các tuyến đường phải làm quá nhiều việc. Họ không chỉ chịu mưa nắng, rét buốt, ô nhiễm môi trường mà nhiều lúc phải đương đầu với cả tội phạm nguy hiểm…Số tiền này rất quý nhưng quan trọng hơn là sự tin cậy của chính quyền địa phương để anh em CSGT yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi không tranh cãi về mặt pháp lý nhưng việc này thể hiện sự quyết tâm lập lại trật tự ATGT ở Đà Nẵng. Địa phương nào có điều kiện quan tâm tới CSGT như Đà Nẵng thì tốt quá!” - ông Sơn nhìn nhận. Thế Kha
Bình luận (0)