Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ án mạng thương tâm mà nạn nhân và hung thủ là những người thân trong gia đình: vợ - chồng; cha mẹ - con; ông bà - cháu; anh, chị, em…, khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Xã hội ngày càng văn minh, phát triển, vì sao lại xảy ra những bi kịch đau lòng đến vậy?
Gia đình là nền tảng cơ bản hình thành nên xã hội, quốc gia. Trên khái niệm này cho thấy tầm quan trọng của gia đình trong đời sống xã hội trên thế giới và Việt Nam. Tại Việt Nam, gia đình đã có nhiều biến đổi kể cả trong Luật Hôn nhân và Gia đình (năm 2009), Pháp lệnh Dân số (năm 2003, sửa đổi, bổ sung năm 2008), Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007), Luật Bảo vệ, chăm sóc và Giáo dục trẻ em sửa đổi (năm 2004), Luật Người cao tuổi (năm 2009)... cùng với nhiều phong trào, hành động xã hội khác đã và đang thực hiện nhằm cụ thể hóa các điều luật trên.
Hiện trường vụ chồng giết vợ rồi tự sát xảy ra ngày 31-8 ở huyện Định Quán, Đồng Nai Ảnh: Xuân Hoàng
Tuy nhiên, có một thực tế là cuộc sống công nghiệp, hiện đại khiến mỗi gia đình đều chịu ảnh hưởng bởi sự gia tăng áp lực công việc, thu nhập, dẫn đến nhiều gia đình không còn sự kết nối chặt chẽ. Nhiều gia đình trẻ vì mưu sinh nên giao con cái về quê cho cha mẹ, ông bà chăm sóc. Bản thân người vợ, người chồng sống cùng nhà nhưng giờ giấc, công việc khác nhau, ít khi gặp mặt, nói gì đến tâm sự, chia sẻ những khó khăn, bức xúc trong cuộc sống, công việc. Cứ thế, mỗi thành viên trong gia đình nhỏ thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc và kiểm soát nhau, dẫn đến mối quan hệ gia đình lỏng lẻo. Chính sự đứt gãy này làm gia tăng các hành vi lệch chuẩn, làm phát sinh nhiều hệ lụy đau lòng.
Bên cạnh đó, hệ giá trị gia đình xã hội Việt Nam, trong đó giá trị trong quan hệ giữa người với người như tình cảm, đạo lý, các khuôn mẫu giữa cha mẹ, con cái, anh chị em, họ hàng, ông bà... cũng đã có nhiều thay đổi. Gia đình hạt nhân nổi trội, gia đình tam tứ đại đồng đường giảm sút cũng là nguyên nhân dẫn đến sự đứt gãy các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Chưa kể, việc chăm sóc cha mẹ già trong bối cảnh hạn hẹp về thời gian, áp lực của mưu sinh đè lên các thành viên trong gia đình cũng dễ dẫn đến hệ lụy đáng tiếc.
Hiện nay, nghiên cứu và dự báo về sự biến đổi của gia đình còn rất thiếu, không theo kịp sự biến đổi xã hội tại Việt Nam đang diễn ra rất nhanh. Mối quan hệ tương tác của các thành viên trong gia đình và xã hội đã nảy sinh mâu thuẫn mà thiếu tính dự báo để có những giải pháp cơ bản tác động vào gia đình, làm cho gia đình phát triển, ổn định, dung hòa các mối quan hệ giữa các thành viên.
Đã đến lúc cần xem sự đứt gãy mối quan hệ gia đình là một nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội. Nhà nước và các đoàn thể cần kêu gọi các thành viên trong gia đình tăng cường mối quan hệ; đề cao vai trò giáo dục gia đình, dòng họ; tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều hơn; nêu cao tấm gương đạo đức về mối quan hệ của các thành viên gia đình; tuyên truyền các hình phạt răn đe đối với các hành vi lệch chuẩn...
Cuối cùng để làm được điều này cần nhiều bàn tay chung sức từ hệ thống chính trị, xã hội và mỗi cá nhân thì mới có thể làm giảm đi các hệ lụy trên.
Gia đình được xem là nơi giúp giải tỏa sự căng thẳng cho các thành viên nhưng hiện nay có rất nhiều gia đình không phải là nơi chốn bình yên khi trở về.
Bình luận (0)