xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

E dè với quyền được chết

Nhóm Phóng viên

Chỉ cần một trường hợp sai lệch đã gây hối hận cho cả gia đình và nỗi ám ảnh đối với người quyết định cái chết

Việc Bộ Y tế đề xuất đưa quyền được chết vào Bộ Luật Dân sự và lý giải “chúng ta có quy định về quyền sống thì cũng nên có quy định về quyền chết” đã gây ra nhiều tranh cãi. Ngoài một số ít ý kiến đồng tình với quan điểm “cái chết êm ái” là nhân văn, đa số đều cho rằng việc này ảnh hưởng đến vấn đề đạo đức, dễ bị lạm dụng để hợp thức hóa hành vi giết người.

Thực sự có lợi cho người bệnh?

Trước khi ra trường và khoác tấm áo blouse trắng để thực hiện sứ mạng cứu người, bất kỳ sinh viên y khoa nào cũng phải đọc lời thề Hippocrates, trong đó có đoạn: “Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ”.

Trước đề xuất của Bộ Y tế về quyền được chết, nhiều bác sĩ (BS) tỏ ra lo ngại bởi không chỉ có vẻ trái với lời thề thiêng liêng, mà câu hỏi “thực sự có lợi cho người bệnh?” dường như vẫn quá khó trả lời trong rất nhiều trường hợp.

Theo GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, dù đã từng chứng kiến rất nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn chiến đấu với bệnh tật, ông vẫn khó lòng trả lời mình đứng về phía nào, đồng thuận hay không đồng thuận? “Ở vị trí một BS, nếu phải thực hiện thì quả là khó quyết định. Trong cuộc đời hành nghề y, ngay cả lúc phải rút ống và để một bệnh nhân đã mê man, không còn cách nào duy trì sự sống nữa ra đi, đã là khó khăn đối với BS huống gì đối diện với một người hãy còn sống, còn nói được mình muốn chết hay không” - GS-BS Nguyễn Chấn Hùng nói.

BS Đỗ Hoàng Giao - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Thành ủy TP HCM, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - băn khoăn khoa học kỹ thuật thay đổi theo từng ngày nếu hôm nay để người bệnh chết, ngày mai lại phát hiện cứu được thì làm sao sửa chữa? “Hơn nữa, trong đau đớn, người bệnh rất dễ suy nghĩ tiêu cực. Có chắc rằng trong lúc bi quan ấy, người bệnh suy nghĩ thực sự sáng suốt?” - BS Giao đặt vấn đề.

 

Với các bác sĩ, nếu phải thực hiện quyền được chết cho bệnh nhân nặng thì quả là rất khó quyết định. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Tấn Thạnh
Với các bác sĩ, nếu phải thực hiện quyền được chết cho bệnh nhân nặng thì quả là rất khó quyết định. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Tấn Thạnh

 

Nhiều hệ quả khó lường

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) nhấn mạnh: “Theo pháp luật Việt Nam, sinh mạng con người là bất khả xâm phạm, chỉ có thể tước đoạt cuộc sống của người khác thông qua việc tòa án xét xử và cho thi hành hình phạt tử hình. Việc đưa quyền được chết vào Bộ Luật Dân sự hoặc bất cứ luật nào khác là vi phạm Hiến pháp; đồng thời vi phạm quy định tại điều 101 Bộ Luật Hình sự về tội “Xúi giục hoặc giúp người khác tự sát”.

Cũng theo luật sư Quỳnh Thi, việc chấp nhận quyền được chết sẽ dẫn tới nhiều hệ quả khó lường về pháp luật và xã hội. Chẳng hạn việc ký vào giấy đồng ý cho người bệnh thực hiện quyền được chết sẽ để lại di chứng tâm lý đối với người thân. Chưa kể nếu những người thân bất đồng về việc này sẽ dẫn tới rạn nứt tình cảm gia đình, thậm chí căm hận nhau. Hoặc trường hợp BS chẩn đoán sai tình trạng bệnh, nếu áp dụng quyền được chết, sẽ vô tình giết người… Hay con cháu bệnh nhân thông đồng với BS để sửa bệnh án, cưỡng ép ông bà, cha mẹ bị bệnh nhằm trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng… Trong trường hợp này, quyền được chết lại là công cụ tiếp tay cho hành vi giết người có chủ đích.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM) quan ngại quy định pháp luật về việc này dù có chi tiết, sâu sát đến đâu vẫn còn những trường hợp mâu thuẫn giữa ý chí của người bị tước đoạt mạng sống với người yêu cầu tước đoạt khi họ còn nhận thức nhưng không còn khả năng thể hiện, diễn đạt. Chỉ cần một trường hợp sai lệch này đã gây hối hận cho cả gia đình và nỗi ám ảnh cho người quyết định cái chết kia.

“Pháp luật không có điều chỉnh tuyệt đối mọi quan hệ xã hội nhưng nguyên tắc của thiết lập một chế định pháp luật để điều chỉnh một quan hệ mà có quá nhiều rủi ro tiềm ẩn thì chế định đó không được tồn tại” - luật sư Công kết luận.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường (Đoàn Luật sư TP HCM) cũng cho rằng quy định về quyền được chết có thể làm sai lệch nhận thức xã hội, người bệnh có thể không còn lạc quan, muốn tìm đến cái chết. Quy định này còn ảnh hưởng đến tâm lý của gia đình, xã hội, đội ngũ những người hành nghề y… Liệu những người này có cố gắng hết sức, bằng mọi cách để mang lại cơ hội sống cho người bệnh hay không?

 

Quyền tự do cuối cùng

Ngược với những quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng quyền được chết là một quyền nhân thân cần được bổ sung vào quy định của dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi. Bởi về bản chất, quyền được chết là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân, người ta có thể tự do lựa chọn thụ hưởng hay từ bỏ. Quyền được chết có ý nghĩa như là quyền tự do cuối cùng của con người. Tất nhiên, cần những quy định chặt chẽ để không bị lợi dụng.

Bên cạnh đó, nếu quyền được chết được quy định trong Bộ Luật Dân sự sẽ có tác động và ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội. Bởi lẽ, đối với người đang phải chịu đựng đau đớn, hành hạ về thể xác kéo dài thì cả người thân cũng phải chịu đựng những đau đớn, kiệt quệ. Ngoài ra, việc công nhận quyền được chết sẽ góp phần củng cố và nâng cao quy định của Hiến pháp trong việc bảo đảm tôn trọng tự do dân chủ và thực hiện quyền con người; góp phần hoàn thiện tính bền vững của pháp luật, điều chỉnh được các vấn đề phát sinh trong xã hội.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo