Trong một lần bị tai nạn lao động, anh Lê Tấn Tân (SN 1983, ở thôn Vân Quật, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bị liệt nửa người. Mặc dù các bác sĩ cho biết bệnh anh có thể chữa khỏi nhưng do gia đình không có tiền nên anh đành phó mặc cho bệnh tật hành hạ.
Anh Tân là con thứ hai trong gia đình có 4 anh em, ba mẹ đều làm nông ở vùng quê nghèo Vân Quật. Người chị đầu của Tân học hết cấp 3 rồi nghỉ học để phụ giúp ba mẹ, làm lụng nuôi 3 đứa em ăn học. Hiểu được sự cực nhọc của ba mẹ, anh cố gắng học tập, rồi thi đậu vào Trường Cao đẳng Cơ khí Chế tạo máy. Năm 2008, sau khi ra trường, anh vào TPHCM làm ăn, mong kiếm nhiều tiền gửi về cho ba mẹ nuôi 2 em ăn học. Vào TPHCM làm được 4 tháng, trong một lần trèo lên mái tôn để lắp đặt camera, anh bị ngã xuống đất bất tỉnh. Sau 10 ngày mê man, tỉnh dậy, các bác sĩ cho biết anh bị chèn ép tủy sống, nửa thân dưới bị liệt hoàn toàn.
Nhận được hung tin, cha anh, ông Lê Tấn Cả, vội vã mang trên 50 triệu đồng, số tiền mà gia đình dành dụm để làm nhà, gấp rút vào TPHCM lo chữa bệnh cho con. Chưa đầy 2 ngày, số tiền trên đã chi hết sạch cho việc điều trị. Không còn cách nào khác, ông Cả gọi điện về cho gia đình, mượn thêm 1 cây vàng và trên 100 triệu đồng của bà con hàng xóm mang vào tiếp tục chữa trị. Sau 2 tháng điều trị, số tiền trên cũng cạn kiệt. Túng thế, gia đình tiếp tục thế chấp ngôi nhà để vay ngân hàng lấy tiền gửi vào chữa trị cho anh Tân. Hơn 4 tháng, bệnh tình của anh có phần thuyên giảm nhưng do hết tiền nên không còn cách nào khác, gia đình đưa anh về quê.
Từ một hộ sản xuất giỏi, gia đình anh trở thành hộ nghèo của xã. Hằng ngày, ngoài công việc đồng áng, ông Cả lại vác cuốc đi dạo khắp nơi đào cỏ ngạn để bán kiếm tiền lo thuốc cho con và lo tiền học cho đứa con út đang học lớp 12. Còn bà Nguyệt, ngày ngày cứ phải quanh quẩn trong nhà chăm sóc Tân, bà cũng tranh thủ nuôi thêm heo kiếm chút tiền đi chợ hằng ngày. Nhưng 2 năm qua, số heo mà gia đình bà nuôi thường xuyên gặp bệnh nên lại trắng tay.
Gia đình anh Tân cho biết khi liên hệ với các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và nhiều bác sĩ khác, họ đều nói bệnh của anh có thể chữa trị được, phải tốn nhiều tiền nhưng do gia đình đã cạn kiệt nên đành chịu. “Gia đình chúng tôi chỉ trông chờ vào tấm lòng hảo tâm của mọi người, chứ gia đình tôi không còn xoay xở gì được. Nợ nần còn gần 200 triệu đồng nói chi đến tiền chữa trị cho con” - bà Nguyệt ứa nước mắt.
Bình luận (0)