“Cảm sốt, sao không nghỉ mà đi bán chi vậy?” - bà Nguyễn Thị Hai, chủ quán nước trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5, TP HCM), hỏi người phụ nữ bán vé số. Lấy tay quệt mồ hôi trên trán, chị Trần Thị Linh (SN 1980, bán vé số) thở dài nói: “Đầu năm học, nhiều khoản chi quá, còn lết được vẫn phải đi bán chị ơi!”.
Khổ mấy cũng phải cố
Chị Linh có 2 con: đứa lớn học lớp 5, đứa nhỏ học lớp 1. Chồng chị chạy xe ôm. “Hôm trước, tôi đã đóng tiền mua sách vở, quần áo cho 2 con hơn 1 triệu đồng. Rồi tiền BHYT, tiền bán trú, tiền trường… Hai vợ chồng xoay như chong chóng. Bình thường, việc ăn uống cho cả nhà đã phải tằn tiện mới đủ sống. Giờ con đi học càng phải cố, khổ mấy cũng phải làm, đi bán về mệt rã người mà ai kêu giúp việc nhà theo giờ tôi cũng nhận, miễn có thêm tiền để nuôi con ăn học” - chị Linh tâm sự.
Chiều 8-9, sau khi đón con từ trường về, anh Nguyễn Công Sơn (SN 1977, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) nói với vợ: “Nhà trường thông báo chỉ riêng tiền sách vở và đồng phục là 900.000 đồng, tiền bán trú 1,5 triệu đồng. Cuối tuần họp phụ huynh, lại đóng thêm một số khoản nữa”.
Nghe xong, chị Trần Bích Hạnh (SN 1978, vợ anh Sơn) lật sổ chi tiêu hằng tháng tính tới tính lui. Lương tạp vụ cho một siêu thị của chị và lương bảo vệ của anh vỏn vẹn 8 triệu đồng. Tháng nào anh tăng ca hay ai nhờ đi giữ xe đám cưới hoặc có ai gọi chị làm giúp việc theo giờ, thu nhập có nhỉnh hơn chút đỉnh nhưng cũng không đáng là bao. Chị Hạnh thở dài: “Mỗi năm, mùa tựu trường đến là vợ chồng tôi lao đao. Tiền trường, sách vở, đồng phục cho hai con ngốn hết thu nhập cả tháng của hai vợ chồng. Tính toán, cắt đầu này, xén đầu nọ mà vẫn thiếu trước hụt sau”.
Gần 9 giờ tối 14-9, trời mưa tầm tã, trùm lên người mảnh ni-lông, chị Nguyễn Thị Hoa đẩy xe bắp rong len lỏi qua các con đường ở quận 5. Khi được hỏi trời mưa ít khách, sao không ở nhà, chị lắc đầu: “Ráng kiếm thêm tiền trang trải năm học mới cho con. Chị mới đóng gần 2 triệu đồng cho đứa con gái đang học lớp 4. Mỗi tháng kiếm tiền ăn, trả tiền trọ đã đuối, giờ con vào năm học mới phải đóng một cục tiền. Phải cố lo cho xong gánh nặng mùa tựu trường thôi, nếu không thì con mình thất học, rồi lại khổ như cha mẹ”.
Không biết xoay sở ra sao!
Được người quen giới thiệu, chúng tôi tìm gặp chị L.T.N (SN 1970, ngụ quận 6). Người phụ nữ đen nhẻm này ngậm ngùi kể câu chuyện của mình: “Chồng tôi làm nghề giao hàng, mỗi ngày được 100.000 đồng; tôi rửa chén cho quán cơm mỗi tháng được 3 triệu đồng, được chủ bao ăn. Trước đây, trừ chi phí nhà trọ, tiền điện nước, xăng, ăn uống, học phí, mỗi tháng tằn tiện lắm cũng chỉ dư vài trăm ngàn đồng. Giờ các con ngày một lớn, nhu cầu ăn uống, học phí và giá cả tăng, làm quần quật mà cứ thiếu hụt triền miên. Nhất là đầu năm học, học phí cùng lúc với tiền nhà trọ, điện, nước… khiến có lúc, vợ chồng tôi không biết phải xoay xở ra sao. Mấy năm qua, mỗi tháng 2 lần, tôi đi bán máu, mỗi lần 250 ml được 400.000 đồng, bỏ ống heo để năm học mới lo các khoản học phí, sách vở, đồng phục… cho con. Không muốn các con buồn lo nên tôi giấu chuyện bán máu”.
Nhắc đến con, chị N. không giấu được niềm vui trên khóe mắt. Chị bộc bạch: “Khổ mấy cũng cam vì 2 đứa con biết thương cha mẹ, học hành chăm chỉ. Con trai lớn đang học ngành cơ khí, cố gắng đi làm thêm để lo một phần học phí. Con gái còn nhỏ nên vợ chồng tôi phải cố bằng mọi cách để lo gánh nặng mùa tựu trường cho con được ăn học”.
Gian nan xin vào trường công
Với người lao động nghèo, lo cho con đi học vốn đã rất chật vật nhưng đối với người nhập cư không có hộ khẩu hoặc chỗ ở ổn định, việc xin cho con vào trường công cũng rất gian nan.
Vợ chồng chị Lê Thị Mai (quê Tiền Giang) lên TP HCM làm công nhân được 1 năm. Con trai đến tuổi học mẫu giáo nhưng họ không thể xin cho con vào trường công lập vì trường nào cũng quá đông, ưu tiên cho trẻ có hộ khẩu. Xin cho con vào học trường tư thì học phí quá cao trong khi hằng tháng, họ còn phải gửi tiền về quê nuôi đứa con gái và cha mẹ già yếu.
“Ở dưới quê lên đây đi làm, thuê nhà trọ nên khó khăn lắm. Con nhỏ để dưới quê với ông bà thì tội con, đưa lên gửi nhà trẻ thì phải vào tư thục. Hai vợ chồng tiết kiệm sao cũng không đủ...” - chị Mai tâm sự.
H.Hòa
Bình luận (0)