Trở ngại trên nhiều tuyến đường
Tâm sự với chúng tôi, anh Thịnh cho biết đã nhiều lần bị ngã xuống đường do bó vỉa không phù hợp. Rất nhiều tuyến đường có bó vỉa cao, người đi xe lăn phải tốn nhiều sức mới có thể lên vỉa hè. Những người sức tay yếu, phải lấy trớn vài lần, chỉ cần sai sót nhỏ là ngã. Có nhiều tuyến đường vát bó vỉa để xe lăn lên khá thuận lợi nhưng đến đoạn cuối thì lại vuông góc. Lúc đó, NKT phải đi ngược lại đoạn vỉa hè có lối xuống và điều khiển xe lăn dưới lòng đường. "Muốn sử dụng nhà vệ sinh công cộng cũng rất khó, xe lăn không thể điều khiển vào bên trong, phải để ở ngoài rồi lết vào. Tuy hơi dơ một tí nhưng đành chấp nhận vì không còn cách nào khác" - anh Thịnh nói.
Đúng như lời anh Thịnh đã chia sẻ, ghi nhận trên nhiều tuyến đường ở TP HCM có thể thấy NKT hiện gặp nhiều trở ngại trong việc sử dụng các công trình xây dựng và giao thông công cộng.
Nhà chờ xe buýt ở một số tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt đã được khoét lối đi cho người khuyết tật sử dụng xe lăn nhưng các bảng thông tin hướng dẫn, hệ thống âm thanh... còn hạn chế Ảnh: Gia Minh
Dù đã có các quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc xây dựng các công trình, đường phố với những yêu cầu, nguyên tắc cơ bản nhằm tạo điều kiện để NKT tiếp cận sử dụng nhưng trên thực tế, nhiều tuyến đường tại khu vực trung tâm TP HCM không có thiết kế lối đi dành cho người khiếm thị (lát gạch nổi). Ở khu vực ngoại thành, nhiều tuyến đường còn không có vỉa hè, NKT phải tràn xuống lòng đường đi chung với các phương tiện khác. Chưa kể, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, để xe càng gây thêm nhiều khó khăn cho NKT đi lại. Các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, chung cư... nếu có theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thì cũng chỉ hạ thấp vỉa hè, tạo làn đường thuận tiện cho việc đi lại bằng xe lăn; rất hiếm những nhà vệ sinh công cộng có tay vịn cho NKT.
Tại một số tỉnh, thành khác như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu..., NKT cũng gặp những khó khăn tương tự. "Toàn bộ người mù ở Bình Dương không ai dám đi trên vỉa hè vì vướng đủ thứ, có thể đụng đầu vô trụ điện hoặc đạp phải miệng cống hư; chưa kể người ta để xe, buôn bán trên vỉa hè. Việc băng qua đường đối với người mù thật sự nguy hiểm vì không có trụ báo hoặc biển báo chữ nổi để chúng tôi biết chỗ dành cho người đi bộ băng qua đường nên cứ băng liều" - ông Nguyễn Đình Phương, làm việc tại Hội Người mù tỉnh Bình Dương, chia sẻ.
Không dễ tiếp cận xe buýt
11 năm qua, TP HCM đã triển khai chương trình hỗ trợ NKT tiếp cận, sử dụng xe buýt nhưng hiện NKT còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ghi nhận, trạm dừng ở một số tuyến đường được khoét lõm, gắn bảng thông tin hướng dẫn, tạo lối đi cho người sử dụng xe lăn... nhưng chưa đồng bộ. Chủ yếu chỉ thực hiện ở các tuyến đường lớn như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Trỗi, cùng một số tuyến ở khu vực trung tâm TP. Thế nhưng, trên hầu hết các tuyến đường này, trạm dừng xe buýt do được xây dựng ở làn ô tô nên khi muốn đón xe, hành khách phải băng ngang làn xe 2 bánh. Việc này càng trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn đối với NKT.
Trong khi đó, ở nhiều tuyến đường khác, việc đầu tư, cải tạo hệ thống trạm dừng còn quá nhiều hạn chế, không đủ điều kiện kỹ thuật cho NKT sử dụng. Nhiều trạm dừng ở đoạn vỉa hè được xây thành bậc thẳng đứng, không có lối lên xuống cho người sử dụng xe lăn hoặc nếu có cũng cách xa điểm đón xe buýt. Chưa kể, nhiều đoạn vỉa hè ở các trạm dừng lồi lõm, bị chiếm dụng để kinh doanh, chưa có các bảng chỉ dẫn và hệ thống âm thanh cung cấp thông tin hành trình hoặc các bảng báo hiệu bằng chữ nổi...
Vấn đề cũng gây trở ngại rất lớn cho NKT khi sử dụng xe buýt là cửa lên xuống xe được thiết kế theo bậc và khá hẹp, không có dụng cụ nâng hỗ trợ. Mặt khác, tài xế, tiếp viên trên xe buýt không có sự hiểu biết trong giao tiếp, hướng dẫn hay hỗ trợ NKT; thái độ, cách ứng xử chưa chuẩn mực, thậm chí là phân biệt đối xử.
"Vé miễn phí có những tài xế rất vui vẻ chấp nhận nhưng ngược lại, nhiều người không muốn. Những vé xe buýt miễn phí đôi khi phải trả tiền vì nếu không sẽ nhận thái độ và lời lẽ không thân thiện từ nhân viên và tài xế xe buýt" - Quang Kỳ, người khiếm thị đang là sinh viên một trường âm nhạc trên địa bàn TP HCM, kể.
Ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu..., NKT cũng bị phân biệt đối xử, gặp khó khăn trong việc sử dụng phương tiện này.
Hệ thống xe buýt phong cách Nhật Bản
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương cho biết địa phương đã triển khai và đang mở rộng hệ thống xe buýt phong cách Nhật Bản. Trên xe này luôn có ghế ưu tiên cho NKT, hệ thống loa tự động liên tục thông báo điểm dừng để người khiếm thị nắm bắt thông tin. Trao đổi với phóng viên, một tài xế lái xe buýt phong cách Nhật cho biết ông được những người Nhật yêu cầu phải ân cần hỗ trợ người mù, người đi xe lăn lên xuống xe buýt và không thu tiền vé của họ.
Bình luận (0)