

Bàn tay nắm lấy bàn tay
Chiều 1-9, đoàn công tác của Báo Người Lao Động do ông Nguyễn Văn Tín, Phó Tổng Biên tập, dẫn đầu đã đến chia buồn cùng gia đình “hiệp sĩ” Nguyễn Xuân Chinh. Khi nghe bà Nguyễn Thị Thanh Hương, mẹ Chinh, nghẹn ngào: “Chinh là con trai duy nhất của gia đình, Chinh học hành đến nơi đến chốn, sau nó là 3 em gái”, ông Nguyễn Văn Tín nắm lấy bàn tay bà, bàn tay còn lại ông giữ chặt bàn tay chai sạn của cha Chinh- ông Nguyễn Xuân Chu.
“Chúng tôi cảm nhận được nỗi đau này là quá lớn. Xin chân thành chia sẻ với ông bà. Anh Chinh chết nhưng không mất giữa lòng người dân, đặc biệt là bạn đọc của Báo Người Lao Động”.
Cùng ngày, đoàn cũng đã ghé nhà thăm hỏi sức khỏe của “hiệp sĩ” Nguyễn Quang Vinh, người ngồi sau xe Chinh trong cuộc truy đuổi gã giang hồ rạng sáng 31-8.
Sau khi tặng tiền giúp Vinh chữa trị vết thương, ông Tín chia sẻ: “Cả xã hội trân trọng những gì các anh đang làm. Hãy dũng cảm và mưu trí hơn nữa khi đối đầu với kẻ xấu!”.
Đây là lần thứ hai lãnh đạo Báo Người Lao Động trực tiếp động viên tinh thần các “hiệp sĩ” Bình Dương. Trước đó, trong tháng 8, khi hay tin “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải bắt được “đinh tặc”, ông Đỗ Danh Phương, Tổng Biên tập, đã cùng đoàn công tác đến nhà anh Hải hoan nghênh tinh thần “hiệp sĩ” để khích lệ. |
Thiếu tướng Cao Minh Nhạn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm: Đề nghị có chính sách đối với anh Nguyễn Xuân Chinh * Phóng viên: Thưa ông, anh Nguyễn Xuân Chinh (CLB Phòng, chống tội phạm phường Phú Hòa ở Bình Dương) hy sinh, bộ có chính sách gì để động viên, chia sẻ?
- Thiếu tướng Cao Minh Nhạn: Khi xuất hiện những tình huống đáng tiếc, anh em bị thương, bị hy sinh như thế này, chúng tôi bàn với ngành LĐ-TB-XH và các cấp chính quyền để giải quyết chính sách một cách thỏa đáng. Trước mắt phải có chế độ hỗ trợ mai táng và sau đó là các hỗ trợ khác, kể cả về lâu về dài cho thân nhân, gia đình người đã xả thân vì sự bình yên của cộng đồng.
* Hiện toàn quốc có trên 700 mô hình tổ chức quần chúng phòng chống tội phạm. Ông đánh giá thế nào về tính pháp lý trong hoạt động của các tổ chức nghiệp dư này?
- Tuy họ tự phát, tự tổ chức điều hành, nhưng tất nhiên là nhận được sự ủng hộ của các tổ chức chính quyền, đoàn thể, nhất là ngành công an. Chúng tôi phải có trách nhiệm hướng dẫn, tham mưu nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức cho họ. Về việc này, tôi sẽ trao đổi kỹ hơn với các cơ quan chính quyền để đưa ra các phương pháp cụ thể hơn, thiết thực và hiệu quả hơn nữa.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương mà công an nơi đó sẽ đề xuất thành lập những mô hình thích hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế, đời sống. Ở đây là phòng chống tội phạm từ trong lòng dân và vì vậy sẽ có sự khác nhau giữa cách tổ chức, thành phần tham gia ở làng bản, vùng sông nước hay đô thị đông đúc.
Những kinh nghiệm điển hình sẽ thường xuyên được đúc rút và nhân rộng mô hình ra các địa phương có đặc điểm tương đồng. Dựa trên tập hợp những người tự nguyện, tâm huyết, có kiến thức võ thuật, công an có trách nhiệm tổ chức huấn luyện phù hợp để vừa nâng cao hiệu quả vừa bảo đảm an toàn, phòng ngừa rủi ro.
* Ông đánh giá như thế nào về CLB Phòng, chống tội phạm phường Phú Hòa ở Bình Dương? Cách làm của họ liệu có điểm nào cần cải thiện?
- Đây là tập hợp của những người thanh niên rất dũng cảm và tinh thần trách nhiệm cao. Sơ suất xảy ra vừa rồi tại Bình Dương là rất đáng tiếc, cần được nghiêm túc mổ xẻ, rút kinh nghiệm.
Hoạt động của các tổ chức như CLB Phòng, chống tội phạm ở Bình Dương hiện nay rất tốt. Theo dõi thời gian qua, tôi nhận thấy các cấp, ngành rất quan tâm đến những mô hình quần chúng như vậy, đồng thời đã tạo nhiều điều kiện để họ hoạt động, duy trì, phát huy. Phía công an cần tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hơn, kịp thời hơn để hạn chế rủi ro xảy đến cho những người dân tham gia trấn áp tội phạm.
Quý Lâm thực hiện |
Bình luận (0)