Nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng ngày Quyền người tiêu dùng thế giới (15.3.1983 – 15.3.2012), chiều qua, 14-3, Sở Công Thương TPHCM phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương tổ chức hội thảo liên quan tại TPHCM.
Lao đao chống chọi với hàng giả
Trao đổi với chúng tôi tại hội thảo, một số doanh nghiệp (DN) cho biết công nghệ sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi. DN gần như bất lực trước sự tấn công của hàng giả.
Ông Nguyễn Ngọc Tỷ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, cho biết công ty đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền sản phẩm mũ bảo hiểm nhưng hàng giả vẫn nhan nhản trên thị trường, nhất là tại miền Tây. “Phải từng sử dụng mũ bảo hiểm của Nón Sơn hoặc để mũ thật – mũ giả bên cạnh nhau, người tiêu dùng mới phân biệt được vì hàng giả chỉ khác hàng thật một số chi tiết nhỏ. Trong khi mũ bảo hiểm của công ty bán khoảng 500.000 đồng/cái thì hàng nhái, hàng giả ung dung bán trên dưới 200.000 đồng/cái, lại được người tiêu dùng các tỉnh ưa chuộng” - ông Tỷ bức xúc.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều chủ DN đang phải lao đao chống chọi với hàng giả. Ngoài nguyên nhân hàng gian, hàng giả được làm tinh vi; việc quản lý, xử phạt còn nhiều bất cập, nhiều ý kiến cho rằng tình trạng này chưa thể ngăn chặn còn do sự tiếp tay vô tình của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng chưa “thông minh”
Theo ông Ngô Bách Phong, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng còn nhiều khiếm khuyết. Thực tế giải quyết khiếu nại của hội cho thấy còn nhiều người tiêu dùng chưa nhận thức được vai trò của mình gắn với quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ phải tự kiểm tra thông tin sản phẩm/dịch vụ sắp mua/dùng có đúng như quảng cáo hay không.
Bên cạnh đó, người dân cũng không ý thức được mình phải có trách nhiệm thông tin cho cơ quan chức năng, báo chí và tổ chức xã hội (cụ thể là các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) khi phát hiện những sản phẩm, dịch vụ không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại cho người tiêu dùng…
Hiện vẫn còn thiếu các tổ chức xã hội hỗ trợ Nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong tổng số 63 tỉnh, TP trên cả nước, chỉ có 42 tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Song, điều đáng nói là các tổ chức xã hội còn nhiều khó khăn về cả vật chất lẫn tinh thần bởi nhân sự thường là kiêm nhiệm hoặc người lớn tuổi tham gia, không có kinh phí hoạt động nên khó phát huy hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng.
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM ra đời sớm nhất so với trên 40 tổ chức tương tự của cả nước. Tuy nhiên, do không có nguồn kinh phí ổn định, không có biên chế thường xuyên, không trụ sở, nhân sự chủ yếu là cán bộ hưu trí… nên hoạt động của hội ngày càng èo uột, khó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách hiệu quả.
Khiếu nại, tố giác quá ít Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cho rằng phần lớn người tiêu dùng không mạnh dạn tố giác tổ chức kinh doanh vi phạm. Thống kê năm 2011 cho thấy các tổ chức xã hội giải quyết 2.000 vụ khiếu nại của người tiêu dùng; sở công thương các tỉnh, TP giải quyết khoảng 400 vụ. Con số này là quá ít so với các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong thực tế. |
Bình luận (0)