Đã có nhiều cách lý giải cho hiện tượng xã hội này nhưng theo tôi, cái gốc vấn đề là do đạo làm người chưa vững, nhân cách, đạo đức chưa được xây dựng căn cơ nên con người dễ bị chi phối bởi bản năng tự nhiên, dễ bị tác động bởi điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài.
Nếu một người không biết yêu thương cha mẹ, anh em, thầy cô, bạn bè; không biết quan tâm chia sẻ với ai, họ sẽ dễ chạy theo những nhu cầu, ham muốn tự nhiên của bản năng rồi trở nên vô cảm, vô tình, không còn nhân tính, không biết nghĩ đến những điều tốt đẹp. Bấy giờ, mọi giá trị đạo đức, nhân văn đều trở nên vô nghĩa; mọi bài học luân lý đạo đức dù có lọt vào tai, vào óc cũng chỉ là một mớ lý thuyết suông chứ không thể thấm vào tim để biến thành động lực hành động, giúp họ sống có nghĩa, có nhân.
Nói cách khác, nhân cách, đạo đức của con người bắt nguồn từ tình cảm yêu thương giữa người và người, giữa con người và xã hội. Vấn đề căn cơ của giáo dục nhân cách, đạo đức công dân là giáo dục tình cảm yêu thương cho trẻ tại mỗi gia đình, qua đó giáo dục nhân cách, đạo đức công dân cho thế hệ tương lai.
Có thể kinh tế thị trường khiến con người dễ trở nên thực dụng, thiếu nghĩa tình. Cũng có thể phim ảnh bạo lực có tác dụng kích động tính hung hăng, làm cho một bộ phận giới trẻ quen với cảnh chém giết rồi có xu hướng giải quyết bằng bạo lực mỗi khi xảy ra mâu thuẫn… Tuy nhiên, một khi nhân cách, đạo đức được xây dựng vững vàng trên cơ sở tình cảm yêu thương ông bà, cha mẹ, anh em, thầy cô, bạn bè, Tổ quốc, đồng bào thì mỗi người sẽ tự biết định hướng hành vi và cuộc sống của mình theo các giá trị đạo đức, nhân văn; biết tự đề kháng với cái xấu, cái ác.
Ngày xưa, ông cha ta dựa trên nền tảng gia đình và làng xã để truyền giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó dân tộc không bị diệt vong, Tổ quốc trường tồn với bản sắc văn hóa vốn có, bất chấp chế độ cai trị hà khắc và chính sách đồng hóa thâm độc của các triều đại phong kiến phương Bắc trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc thì ngày nay, gia đình vẫn là nền tảng vững chắc, môi trường lý tưởng để truyền giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại xu hướng lai căng, thực dụng, tha hóa.
Bình luận (0)