Chuyên đề: ĐƯỜNG VÀO TƯƠNG LAI
Với bài "Vừa đánh tham nhũng vừa xây thể chế", tác giả Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương) nhìn nhận: "Trong khi tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng, tuy không phải tất cả nhưng cũng có không ít nơi, không ít cán bộ lo sợ nguy hiểm, quay về thế thủ, không dám năng động, sáng tạo, xốc tới để giải quyết những việc khó, phức tạp, vì vậy mà công việc trở nên trì trệ. Đó là một thực tế. Cần có cách làm phù hợp để cùng lúc đạt được 2 yêu cầu về chống tham nhũng và phát triển năng động về kinh tế - xã hội".
Trong khi đó, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong bài "Dấu ấn hội nhập" đánh giá rằng "Việt Nam khẳng định vai trò là một mắt xích trong các liên kết kinh tế quan trọng ở khu vực". Bài viết này còn dẫn ý kiến Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định thêm: "Hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thể hiện rõ tâm thế chủ động, tích cực, sáng tạo. Giữa những cơn gió ngược từ trào lưu bảo hộ thương mại, con thuyền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng tiến ra biển lớn".
Chuyên đề: ĐỔI MỚI & SÁNG TẠO
Trả lời phỏng vấn Người Lao Động Xuân Kỷ Hợi, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - khẳng định: "TP HCM khơi nguồn sáng tạo, phát triển đô thị thông minh". Ông cho biết: "Những kết quả đạt được của năm 2018 là cơ sở để thành phố bước vào năm 2019 - năm đột phá thực hiện cải cách hành chính và Nghị quyết 54 của Quốc hội, là năm tăng tốc thực hiện quyết liệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng".
TS - chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh viết trong bài "Giữa cuồng phong 4.0": "Đón Tết Kỷ Hợi trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, người Việt chúng ta ấp ủ bao khát vọng vươn lên mạnh mẽ với một tâm thế mới: đổi mới, sáng tạo và năng động hơn bao giờ hết".
Cũng bàn về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, TS Giáp Văn Dương trong bài "Chúng ta không muốn lỡ tàu lần nữa" cho rằng: "Đây là lần đầu tiên chúng ta có cơ hội được tham gia một cuộc chơi lớn, một cuộc chơi toàn cầu ngay từ những ngày đầu tiên. Và cũng là lần đầu tiên, chúng ta có ý thức về sự tồn tại của nó và có được những điều kiện cơ bản để tham gia cuộc chơi toàn cầu đó. Chúng ta không còn là kẻ ngoài cuộc. Nhưng chúng ta vẫn có thể là kẻ lỡ tàu".
Trong chuyên đề này có cụm bài "Gương mặt 4.0", giới thiệu nhiều tài năng trẻ, nhờ nhanh nhạy nắm bắt xu thế và khai thác thế mạnh công nghệ mới nên đạt nhiều thành công trong khởi nghiệp, sản xuất - kinh doanh…
Chuyên đề: KỲ TÍCH BÓNG ĐÁ VIỆT
Chiến tích tuyệt vời của tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam trong năm 2018, đỉnh cao là chức vô địch AFF Cup, được thể hiện qua phóng sự ảnh đặc biệt "Đường lên đỉnh vinh quang" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.
Cùng với đó là bài ký độc quyền của tác giả Lê Huy Khoa (nguyên trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang-seo) về bà Choi Sang-ah, vợ của HLV Park, với ngồn ngộn thông tin hậu trường bất ngờ, thú vị.
Chuyên đề: MÙA XUÂN CỦA MẸ
Nhà văn, nhà báo Chu Lai hồi ức cảm động về chuyện của gia đình anh trong những năm lửa đạn với bài "Ba lần tiễn con đi…". Anh viết: "Mỗi lần nghe câu hát "Ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ..." là lòng tôi cứ thắt lại. Câu hát ấy như ám vào chính cuộc đời mẹ tôi. Bà cũng 3 lần tiễn con ra trận và chỉ có mình tôi trở về".
Các tác giả khác như nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương, nhà thơ Thanh Thảo… cũng kể những câu chuyện chân chất, gần gũi, giàu tình cảm về người mẹ của mình, qua đó làm lan tỏa tình yêu thương, đức hy sinh vô lượng của người mẹ trong cuộc đời của mỗi chúng ta.
Chuyên đề: TRĂM NĂM TRỒNG NGƯỜI
"Làm sao giúp học trò hiểu rằng tự do thì khác với hoang dã, cá tính khác với quái tính, chân thật khác với trơ trẽn? Làm sao giúp học trò hình thành "nhân tính, quốc tính và cá tính" trong thời buổi quá nhiều toan tính? Làm sao giúp học trò "định chuẩn" trong thời "loạn chuẩn"? Làm sao cài đặt được "hệ điều hành" mới - về cách nghĩ, cách sống, cách làm, cách dạy, cách học… - khi mà xã hội của chúng ta vốn quen với "hệ điều hành" lạc hậu trong thời gian dài?"…
Hàng loạt câu hỏi như vậy được nhà nghiên cứu Giản Tư Trung đặt ra trong bài "Người thầy 4.0", rồi tìm giải pháp cho từng vấn đề.
Chuyên đề: CỘI RỄ VĂN HÓA
Nhà biên khảo Vu Gia trong bài "Gia phong thời thế giới phẳng" nêu thẳng thắn: "Sự suy đồi đạo đức hiện nay, những bậc phụ huynh nên nhìn lại mình trong cách dạy dỗ con cái hơn là chỉ biết trách nhà trường, trách xã hội. Dĩ nhiên, nhà trường và xã hội cũng có trách nhiệm nhưng cái gốc vẫn là sự giáo dục trong gia đình".
Với bài "Nuôi dưỡng lòng bao dung", tác giả Cao Tuấn chỉ ra: Khoan dung là bản lĩnh của người biết lắng nghe, thấu cảm và nhẫn nhịn; là biểu hiện của thái độ văn hóa và văn minh. Chừng nào chúng ta còn chưa học được cách khoan dung với những người không phải lúc nào cũng đồng ý với mình, chúng ta sẽ không bao giờ thành công hay hạnh phúc.
Cùng nhiều bài viết hay của Lê Minh Quốc, Văn Công Hùng, Nguyễn Hàng Tình, Đức Dũng…
Chuyên đề: NƠI TÔI SỐNG
"TP HCM sẽ là đại đô thị tầm cỡ thế giới" - TS Nguyễn Đình Cung khẳng định trong bài phỏng vấn Báo Người Lao Động Xuân Kỷ Hợi 2019.
Đi dọc chiều dài lịch sử Sài Gòn - TP HCM 320 năm, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên chiêm nghiệm: Huyền thoại phố phường đi với các di sản vật thể là thứ "kiến trúc mềm" của công trình, làm nên một phần linh hồn của đô thị này.
Cũng về Sài Gòn - TP HCM, nhà biên khảo Phạm Công Luận tường thuật về sự đặc sắc của ẩm thực Chợ Lớn, đọc là thấy… thèm, qua bài "Ăn… quận 5". Nhiều tác giả khác có phát hiện thú vị về nơi mình đang sống. Những Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, miền Tây Nam Bộ… không chỉ là "nơi đất ở" mà thật sự "đã hóa tâm hồn".
Chuyên đề: PHONG VỊ TẾT QUÊ NHÀ
Ngày Xuân, cùng nghe Trần Đức Anh Sơn và Hồ Đăng Thanh Ngọc tả món ngon đất cố đô, qua bài "Ăn ngon thì đến Huế" và "Dư vị hoàng cung". Theo đó, "chỉ ở Huế, ẩm thực mới được nâng thành nghệ thuật, thành một thứ triết lý".
Nhà báo Lê Viết Hai thì đưa độc giả về miền Trung với món ăn chân truyền của "Quảng Nam hay cãi" là mì Quảng. Tác giả loan tin: Kể từ Tết Kỷ Hợi 2019, món ăn này được nâng tầm một bậc, qua việc hình thành "Dinh trấn Mì Quảng".
Từ Bạc Liêu, nhà văn Phan Trung Nghĩa đưa chúng ta trở về cái Tết thời thơ ấu với "Món tép rang chiều 29 Tết năm ấy", vừa hào sảng vừa cảm động.
Chuyên đề: SẮC MÀU NGHỆ THUẬT
Vũ Đức Sao Biển lãng mạn với "Khúc tình ca trên chùa Thiếu Lâm", Trần Hữu Ngư có bài cảm nhận tinh tế về nhạc phẩm "Hoa Xuân" (của Phạm Duy), Đinh Bá Hòa kể chuyện độc đáo bài chòi, Lê Thanh Phong với bài viết bất ngờ: "Quang Lý chơi tranh", nhà báo Thanh Hiệp thuật lại "mối lương duyên" tao ngộ đặc biệt giữa vị nhạc sư 101 tuổi Nguyễn Vĩnh Bảo với Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan…
Chuyên đề: NĂM HỢI KỂ CHUYỆN HEO
Nghe nghệ sĩ Bảo Quốc kể chuyện đóng vai Trư Bát Giới, họa sĩ Hoàng Đặng viết về hình ảnh con heo trong nghệ thuật hội họa, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công có bài công phu về chuyện chữ - chuyện nghĩa liên quan tới con lợn, bài ký đặc biệt của Hồ Phi về một con heo rừng kỳ lạ…
Truyện ngắn: "Những chiếc lông công trên phố bụi mù" của nhà văn Trần Nhã Thụy.
Thơ: Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Thái Dương, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, P.N.T Đoan, Nguyễn Ngọc Hạnh, Từ Nguyên Thạch, Từ Quốc Hoài, Châu Đăng Khoa, Từ Kế Tường, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Phong Việt…
* Giá bìa 39.000 đồng/cuốn.
* 80 trang nội dung in màu trên giấy láng; trình bày trang nhã, hiện đại.
Bình luận (0)