Dư luận đang xôn xao về quyết định của TP Hà Nội tổ chức mô hình trường công chất lượng cao (CLC) từ bậc học mầm non đến THPT với mức học phí tối đa lên đến 3 triệu đồng/tháng. Phần lớn ý kiến phát biểu trên báo chí đều tỏ ra không đồng tình, thậm chí phê phán gay gắt quyết định này.
Nâng cao chất lượng giáo dục là yêu cầu cấp thiết Ảnh: Tấn Thạnh
Công bằng tương đối
Bình tĩnh nhìn lại, chúng ta thấy giáo dục là một lĩnh vực đang có nhiều bất cập. Muốn giáo dục có CLC, phải đầu tư tương xứng. Tuy nhiên, khả năng ngân sách nhà nước có hạn, đời sống của phần lớn người dân còn rất khó khăn. Tăng đầu tư từ ngân sách không được, trong khi tăng học phí trường công đồng loạt thì sẽ rất khó để dịch vụ giáo dục đến được với đông đảo người dân. Việc xây dựng một số trường CLC với học phí cao là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” này.
Lo lắng về sự phân biệt giàu nghèo trong trường CLC là có cơ sở. Song, nếu trường CLC là những trường độc lập, tiêu chuẩn lựa chọn học sinh không nhất thiết chỉ là khả năng đóng học phí mà có thể còn là năng lực học (khi số lượng học sinh có nguyện vọng vào học vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ của trường) thì như vậy cũng có sự công bằng tương đối.
Ở Hà Nội và TP HCM bây giờ không hiếm trường tư thục, trường quốc tế có điều kiện học tập lý tưởng nhưng học phí lên đến cả trăm triệu đồng một năm mà không thấy ai phàn nàn. Bởi vì đóng học phí cao mà không phải nộp những khoản phụ thu để được hưởng dịch vụ chất lượng cao còn hơn là đóng học phí thấp nhưng ngoài học phí, học sinh còn phải đóng bao nhiêu khoản thu ngầm mà không hề được cam kết về chất lượng.
Khó phát triển cùng lúc
Dư luận cũng băn khoăn: “Các trường công đều được nhà nước đầu tư, sao lại phân biệt trường CLC, thu phí cao, tự hạch toán với trường chất lượng bình thường? Như vậy có bảo đảm công bằng giữa các trường?”.
Thực ra, phần đầu tư từ ngân sách nhà nước cho trường CLC cũng ngang bằng với các trường công khác trên địa bàn và lợi ích mà khoản đầu tư này tạo ra mọi người đều có cơ hội được hưởng như nhau. Học phí cao là khoản bù cho sự thiếu hụt từ ngân sách, người học đóng phí cao thì hưởng chất lượng dịch vụ cao hơn. Theo tôi, đó cũng là sự công bằng.
Tăng đầu tư để có những trường tốt còn hơn là để học sinh phải “chạy” sang các trường quốc tế hay ra nước ngoài học. Các trường CLC phát triển đến một mức nào đó, tích lũy đến một mức nào đó sẽ tự hạch toán được, không cần dựa vào ngân sách nhà nước nữa. Rồi từ những trường công CLC ban đầu, chúng ta sẽ phát triển thêm, chứ đòi hỏi phát triển cùng một lúc là rất khó.
Cũng có ý kiến thắc mắc: “Nếu trường công cũng thu học phí cao để nâng cao điều kiện, bảo đảm chất lượng thì tại sao nhà nước không hỗ trợ cho trường tư làm việc này?”. Để tháo gỡ khó khăn, nhà nước đã có chính sách xã hội hóa, động viên sự đóng góp của người dân cho giáo dục. Người dân đóng góp bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, đóng góp bằng học phí và đầu tư mở lớp, mở trường tư thục là những hình thức chủ yếu.
Tuy nhiên, không phải trường tư không được ngân sách nhà nước hỗ trợ gì. Nhà nước đã có chính sách khuyến khích nhà đầu tư, ví dụ cấp đất hoặc cho thuê đất với giá ưu đãi.
Các đối tượng chính sách khi theo học trường tư cũng được sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước và nếu học cao đẳng, đại học thì được hưởng chính sách cho vay tín dụng. Hơn nữa, trường tư cũng được hưởng thành quả đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng công và tư, nghĩa là được lựa chọn giáo viên mà không phải mất thời gian, tiền của đào tạo.
Vẫn nhiều băn khoăn Về trường CLC, có 2 vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết. Trước hết là ở một số cấp học (chủ yếu là mầm non và tiểu học), mỗi địa bàn thường chỉ có một trường. Nếu gia đình học sinh sống trên địa bàn ấy không đủ khả năng tài chính cho con vào học trường công CLC “đúng tuyến” thì giải quyết thế nào? Kế đến, theo Quyết định 21 ngày 24-6 của UBND TP Hà Nội, các trường CLC sẽ bổ sung một số nội dung nâng cao vào chương trình. Tuy nhiên, UBND TP lại giao cho các phòng giáo dục quận, huyện xét duyệt chương trình bổ sung ở bậc học mầm non và các cấp tiểu học, THCS; còn Sở Giáo dục và Đào tạo xét duyệt chương trình bổ sung ở cấp THPT thì có khả thi và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục? |
Bình luận (0)