Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua việc ban hành một nghị quyết về một số giải pháp miễn - giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân chịu tác động của dịch Covid-19 như: giảm 30% số thuế thu nhập DN của năm 2021; miễn thuế GTGT và các loại thuế khác trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm thuế GTGT kể từ ngày 1-10 đến hết 31-12 với DN ở một số lĩnh vực...
Phản ứng chưa kịp thời
Đánh giá cao động thái của Chính phủ khi đề xuất miễn - giảm nhiều loại thuế, song không ít DN, hộ kinh doanh cho rằng chính sách chưa thực sự kịp thời và đi vào thực chất.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cho rằng việc ban hành nghị quyết về việc miễn - giảm thuế lần này dường như chậm hơn cuộc khủng hoảng năm 2008 trong khi ảnh hưởng nặng nề hơn. "Chính sách đang được đề xuất là miễn - giảm thuế GTGT trong 3 tháng cho các DN ở một số lĩnh vực như du lịch, lưu trú, dịch vụ... nhưng đến nay nhiều DN không có doanh thu nên cũng coi như không được hưởng. Do đó, chúng tôi mong muốn chính sách được ban hành ra phải sâu sát, đi đúng vào khó khăn thật sự của DN để tháo gỡ, triển khai đúng đối tượng, áp dụng kịp thời" - ông Kỳ đề xuất.
Doanh nghiệp cần những chính sách hỗ trợ bám sát thực tế, hiệu quả để phục hồi sản xuất Ảnh: NGỌC ÁNH
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, bên cạnh các chính sách miễn - giảm thuế, nhiều ngân hàng thương mại cũng đang triển khai Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước về giãn, hoãn thời gian trả nợ, cơ cấu lại nợ cho DN. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ người lao động cũng đang được triển khai. Thế nhưng, việc thực thi một số chính sách khá chậm do vướng mắc ở phía chính quyền địa phương. "Cùng một loại giấy tờ nhưng nơi yêu cầu bản chính, nơi yêu cầu bản sao, trong khi dịch vụ photocopy đều đã dừng hoạt động để phòng dịch..." - ông Kỳ phản ánh.
Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM - chỉ rõ hiện có 98% DN đang gặp khó khăn hoặc đứng trước nguy cơ phá sản do gánh nặng chi phí quá lớn và không có lợi nhuận. "Không có lợi nhuận thì lấy đâu ra việc đóng thuế thu nhập DN? Thực tế, chỉ có 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là được hưởng lợi từ chính sách này" - ông Việt nêu.
Bà Nguyễn Thị Én (chủ hộ kinh doanh ở quận 5, TP HCM) thì cho rằng với tình hình khó khăn chung hiện nay, đa phần người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, hoạt động kinh doanh của hộ gia đình sẽ ảnh hưởng lớn. Như vậy, nhiều khả năng các hộ kinh doanh không phát sinh lợi nhuận để được hưởng chính sách miễn thuế GTGT trong 2 quý cuối năm.
Chính sách hỗ trợ cần phải thực chất hơn
Theo ông Phạm Văn Việt, chính sách muốn có hiệu quả phải đáp ứng được 3 tiêu chí: Tính lan tỏa (tác động tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác); tạo nhiều công ăn việc làm và tạo được khả năng phục hồi sau đại dịch. "Chính phủ cần có những chính sách mang tính tổng thể và dài hạn hơn ngoài những chính sách mang tính cấp bách, ngắn hạn" - ông Việt góp ý.
Ngoài ra, đại diện Hội Dệt may Thêu đan TP HCM kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng đối với các DN duy trì quy mô lao động theo ngưỡng tối thiểu 50% (trong 3 tháng đầu), 70% (trong 3 tháng kế tiếp) nhằm giúp DN giảm gánh nặng chi phí, thu hút lao động có tay nghề trở lại DN. Đồng thời, Chính phủ cần mở rộng chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ lãi suất với DN đầu tư hạ tầng công nghệ số, chuyển đổi số...
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM - nhấn mạnh điều DN cần lúc này nhất chính là được hỗ trợ về dòng tiền để có số vốn lưu động cần thiết mua vật tư, nguyên liệu... phục vụ giai đoạn mở cửa kinh doanh trở lại sắp tới. "Mong nhà nước thấu hiểu cho khó khăn của DN khi phải giảm công suất sản xuất, thực hiện "3 tại chỗ" với nhiều chi phí tốn kém. Chỉ tính riêng chi phí xét nghiệm đã là rất lớn, nếu kéo dài thì dù DN hay nhà nước bỏ tiền ra cũng không chịu nổi. Sắp tới, khi cơ bản áp dụng được "thẻ xanh", "thẻ vàng" dành cho người đã tiêm vắc-xin, có thể xem xét dừng hoặc giảm tần suất xét nghiệm" - ông Phương đề xuất.
Cũng theo ông Nguyễn Chánh Phương, các DN đã kiệt quệ trong thời gian dài trong khi những chính sách hỗ trợ tuy khá tốt nhưng thực thi lại chậm. Ví dụ, Nghị quyết 105 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 đến nay vẫn còn gặp nhiều vướng mắc từ các bộ, ban, ngành. Ngoài ra, chính sách tiêm vắc-xin còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động trở lại của DN, đặc biệt là DN ngành gỗ.
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương:
Những gì có thể miễn được thì nên miễn
Nhìn vào tình trạng DN hiện nay thấy rất tiêu điều, nhiều DN đóng cửa, phá sản. Chính sách hỗ trợ họ cần đầu tiên chính là thanh khoản. Rõ ràng, phải có những chương trình hỗ trợ về vốn thật tốt, trong đó cần phân loại để dồn vào vùng chịu nhiều tác động như TP HCM, vùng Đông Nam Bộ.
Về cách làm cụ thể, Ngân hàng Nhà nước phải thống nhất với các ngân hàng thương mại hỗ trợ vốn lãi suất thấp hơn đối với DN của những vùng bị tác động mạnh. Nếu nguồn vốn dồi dào hơn, cũng có thể thực hiện đại trà để tất cả DN đều tiếp cận được. Tức là, phải có chương trình cơ cấu lại nợ dài hơi hơn so với chương trình trước đây. Cần xem xét tất cả những gì có thể miễn được thì miễn, đặc biệt là các loại phí; thực hiện trong lộ trình kéo dài đến năm 2023-2024 chứ không nên làm lắt nhắt trong 6 hay 9 tháng.
Muốn hỗ trợ DN và thúc đẩy tiêu dùng thì phải xem xét miễn thuế GTGT, còn nếu giảm thuế thu nhập DN thì phần lớn DN không có thu nhập để được hưởng. Giai đoạn sau mới nên nhắm đến chính sách miễn thuế thu nhập DN. Ngoài ra, cũng cần lưu ý trụ cột chính sách liên quan đến hỗ trợ DN và khuyến khích đầu tư có thể là một. Phải khuyến khích đầu tư vào TP HCM để thúc đẩy phục hồi bằng việc miễn thuế thu nhập DN cho các dự án đầu tư mới ở mức cao hơn, dài hơn. Muốn vậy, phải sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng ưu đãi đầu tư vào khu vực kinh tế trọng điểm thay vì khuyến khích đầu tư vùng sâu, vùng xa như trước đây.
Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM:
Mong giảm nhiều loại thuế, phí
Đối với nhiều DN dệt may phía Nam, trong 3 tháng cuối năm, việc đạt được lợi nhuận sẽ khó. Do đó, việc giảm thuế thu nhập DN đối với DN có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng hoặc có doanh thu năm 2021 thấp hơn năm 2020 là không có nhiều ý nghĩa, không đủ để khuyến khích DN sản xuất - kinh doanh và chăm lo cho người lao động.
Thực tế, nhiều DN không quan tâm đến chính sách miễn, giảm thuế cho khoản doanh thu, lợi nhuận cho năm nay mà mong những chính sách khác để giúp họ tồn tại. Chẳng hạn, miễn các loại thuế, phí, tiền thuê đất, tiền chậm nộp... không liên quan đến doanh thu, lợi nhuận; tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng để DN có khả năng chăm lo cho người lao động và giữ chân họ... Nếu thực thi được những chính sách này, DN sẽ yên tâm tiếp tục xoay xở và cố gắng trụ lại thị trường.
Ông ĐẶNG HOÀNG GIANG, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam:
Kiến nghị phủ vắc-xin cho địa phương lân cận
Ngành điều là một trong số ít lĩnh vực có khả năng kháng cự khá tốt trong dịch. Nhiều DN vẫn duy trì được mức độ sản xuất nhất định nên chính sách hỗ trợ về thuế, phí có ý nghĩa lớn trong việc động viên DN vượt qua khó khăn để tồn tại. Tuy nhiên, để chính sách được thực thi tốt, nhà nước cần công khai quy trình, thủ tục... để DN, người lao động và các địa phương được tiếp cận và thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng chủ trương tốt nhưng thủ tục rườm rà.
Ngoài ra, chúng tôi kiến nghị nhà nước có chính sách phủ vắc-xin sớm đến nhiều địa phương khác ngoài TP HCM và Hà Nội bởi các địa phương có thể duy trì hoạt động sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho DN tại 2 đầu tàu của đất nước thì nền kinh tế mới vận hành được. Với ngành điều, Long An, Bình Phước... là các địa bàn rất quan trọng.
Cuối cùng, để "sống chung với dịch", điều DN cần là những định hướng rõ ràng, có lộ trình cụ thể của DN về việc tổ chức sản xuất như thế nào trong giai đoạn sắp tới.
Phương Nhung ghi
Bình luận (0)