"Từ nhà đến trường bình thường 15 phút đi xe, bây giờ phải là 35-40 phút. 7 giờ con vào học thì 5 giờ 30 phút phải dậy, ăn sáng, vệ sinh để chậm nhất 6 giờ 20 phút phải ra khỏi nhà. Thật sự quá mệt mỏi!"; "Sáng 6 giờ hơn phải ra khỏi nhà, chiều 16 giờ phải mắt trước mắt sau xin phép sếp chạy đi đón con để còn đưa đi học thêm"; "Hành trình từ nhà đến trường, từ trường về nhà giữa muôn trùng vây xe máy, ôtô cùng nỗi lo mưa gió, tai nạn giao thông..., stress lắm. Giá mà TP HCM tổ chức được mạng lưới xe buýt đưa rước học sinh, vừa giảm ùn tắc vừa an toàn"...
Đó là những lời "than phiền" của nhiều phụ huynh khi bắt đầu vào năm học mới cùng nỗi ám ảnh ùn tắc, kẹt xe giờ cao điểm.
Trông chờ xe buýt học đường phủ kín
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, năm học 2022 - 2023, thành phố có khoảng 1,7 triệu học sinh, tăng 21.897 em so với năm học trước. Trung bình một phương tiện cá nhân chở 2 học sinh thì số xe cá nhân ra đường vào giờ đi học và tan trường khoảng 850.000 chiếc. Chưa nói đến việc phương tiện cá nhân là ôtô chiếm diện tích mặt đường lớn hơn; việc có quá đông phụ huynh đưa đón khiến nhiều tuyến đường quanh trường học trở nên lộn xộn, ùn tắc.
Nhiều trường có dịch vụ xe buýt với hình thức đưa đón học sinh "tại nhà" và "tại điểm". Tuyến xe buýt đưa đón tại nhà được mở hay không sẽ tùy thuộc vào địa điểm của khu vực và số lượng đăng ký tại khu vực đó. Các loại xe nhà trường sử dụng đưa đón học sinh có thể là 7 chỗ, 16 chỗ, 29 chỗ hoặc 45 chỗ, tùy thuộc số lượng học sinh đăng ký và điều kiện về giao thông của tuyến đường.
Tuy nhiên, với nhiều phụ huynh, ngoài học phí, tiền bán trú… thì số tiền đóng để sử dụng dịch vụ xe đưa đón là thêm một gánh nặng. Đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều trường không tổ chức dịch vụ này.
Phụ huynh đón con em giờ tan học tạo nên cảnh ùn ứ, lộn xộn trước cổng trường. (Ảnh mang tính minh họa: HOÀNG TRIỀU)
Hoạt động đưa đón học sinh bằng xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP HCM đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng số học sinh sử dụng chỉ tập trung ở các huyện ngoại thành. Học sinh nội thành vẫn chỉ đi phương tiện cá nhân bởi với một số em, khoảng cách từ nhà đến trường khá gần.
Ngoài ra, nhiều gia đình ở trong các con hẻm sâu trong khi việc bố trí điểm dừng đón, trả học sinh phần lớn còn thiếu; chất lượng xe buýt, thái độ phục vụ của nhà xe chưa tốt; sợ trễ giờ học; mức trợ giá chưa thỏa đáng nên chưa khuyến khích các doanh nghiệp vận tải đầu tư phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bên cạnh đó, việc đăng ký, quản lý và xác nhận số lượng học sinh tham gia hoạt động đưa đón hằng ngày do nhà trường thực hiện nhưng trường không đủ nhân sự...
Cần tổ chức lại hoạt động
Việc đưa đón học sinh bằng xe buýt là một trong những giải pháp hiệu quả giúp giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; giảm chi phí nhiên liệu; tăng hiệu quả giờ làm việc… Tuy nhiên, làm thế nào để phụ huynh an tâm và học sinh có thói quen sử dụng xe buýt thì cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, có chính sách và kế hoạch phù hợp của chính quyền TP HCM cũng như các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, cảnh sát giao thông…
Có rất nhiều việc cần phải làm để phụ huynh và học sinh lựa chọn sử dụng xe buýt học đường, dù ở trong hẻm sâu cũng thuận tiện trong việc ra điểm đón. Cụ thể: Xây dựng lại lộ trình, tuyến xe buýt, điểm đón, tổ chức đưa đón theo cụm trường. Xây dựng chuẩn nhận diện thương hiệu riêng cho xe buýt trường học để thuận tiện hơn trong lưu thông; có làn đường ưu tiên cho xe buýt đưa đón học sinh giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng xe buýt thông qua việc huấn luyện tài xế, nhân viên phục vụ có thái độ hòa nhã, ứng xử văn minh; tăng thêm nhân viên phục vụ để bảo đảm việc đưa đón học sinh, nhất là bậc tiểu học, diễn ra an toàn. Đổi mới và bảo đảm phương tiện, trang bị đầy đủ các thiết bị mang tính bắt buộc như thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát, đầu đọc thẻ thông minh, hệ thống nhắc lái xe kiểm tra hành khách...
Song song đó, cần có quy định về tiêu chuẩn xe buýt chở học sinh, nhất là phương án bảo đảm an toàn, trách nhiệm của các bên liên quan về an toàn giao thông, an toàn tính mạng cho các em... Đặc biệt, mức trợ giá xe buýt phải đủ để khuyến khích doanh nghiệp vận tải thay đổi, đầu tư phương tiện và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát để không tồn tại kẽ hở lớn dễ dẫn tới thất thoát ngân sách trong hoạt động trợ giá xe buýt…
Sở Giáo dục và Đào tạo cần giao chỉ tiêu cụ thể số lượng học sinh đi học bằng xe buýt cho các Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường học để phấn đấu thực hiện. Nếu có thể, xem xét điều chỉnh giờ học của học sinh trễ hơn như một số nước đang áp dụng để giảm sức ép thời gian cho nhà xe lẫn các em.
Bình luận (0)