"Trong cả nước, TP HCM là địa phương có đến 17 cơ sở cai nghiện ma túy (CNMT). 11.875 người đang điều trị cai nghiện bắt buộc tại 17 cơ sở này. Làm cách nào đến năm 2020, TP đạt mục tiêu giảm dần người cai nghiện bắt buộc còn 6%?". Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, đặt vấn đề như vậy tại hội nghị tổng kết công tác phối hợp triển khai thực hiện hỗ trợ nghiệp vụ mô hình "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị CNMT tại cộng đồng" (gọi tắt là ĐTV) trên địa bàn TP tổ chức sáng 4-1.
Người nghiện lẫn gia đình né tránh
TP HCM với đặc thù là một đô thị lớn, tập trung đông dân cư nên tình hình tội phạm và tệ nạn liên quan đến ma túy có nhiều diễn biến phức tạp, số người nghiện mới có chiều hướng gia tăng và trẻ hóa, đặc biệt là người nghiện ma túy tổng hợp. Thế nhưng, số người tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thấp; đặc biệt là người nghiện từ các tỉnh, TP khác, người lang thang không có nơi cư trú nhất định đến TP. Cũng chính vì vậy, quá trình chuyển từ mô hình cai nghiện bắt buộc sang mô hình cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (theo Đề án đổi mới công tác CNMT) đang gặp không ít rào cản.
Điển hình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức là một trong những địa bàn "nóng" về tệ nạn, tội phạm ma túy. Hiện phường quản lý 145 người nghiện, trong đó số người sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá lên đến 100. Theo ông Nguyễn Khánh Hòa, Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm ĐTV phường Hiệp Bình Phước, rất ít người dân biết về ĐTV, người nghiện cũng như gia đình không tự giác trình báo và đăng ký lựa chọn hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. "Họ né tránh, sợ đến gặp chính quyền sẽ bị lập hồ sơ cai nghiện, chỉ chừng nào bị bắt thì chịu. Giải pháp giúp người nghiện tự nguyện tìm đến ĐTV luôn khiến chúng tôi trăn trở" - ông chia sẻ.
Ở phường 22, quận Bình Thạnh, người nghiện đa phần làm nghề tự do nên khó tập trung sinh hoạt, tư vấn. Đại diện Ban Chủ nhiệm ĐTV phường 22 cho biết đây là mô hình mới nhưng công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, người nghiện và gia đình chưa thực sự quan tâm, chủ động tìm đến.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP HCM, tỉ lệ người nghiện sử dụng ma túy đá tại cộng đồng ngày càng tăng. Trong khi đó, cán bộ tư vấn chưa kịp thời bổ sung kiến thức về tác hại và biện pháp hỗ trợ người sử dụng ma túy đá.
Người nghiện sử dụng ma túy bên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, quận 8, TP HCM. Ảnh: LÊ PHONG
Chưa có cơ chế kinh phí
Bàn về giải pháp, ông Nguyễn Khánh Hòa cho hay Ban Chủ nhiệm ĐTV phường Hiệp Bình Phước xác định tuyên truyền là cách chủ yếu. Phường đã thành lập 6 tổ để phổ biến về chức năng, nhiệm vụ của ĐTV cho người nghiện và gia đình họ, từ đó đã có 15 trường hợp tìm đến nhờ hỗ trợ. Cán bộ tư vấn còn vận động mạnh thường quân, đề xuất địa phương giúp đỡ vốn, phương tiện sinh kế cho nhiều trường hợp tái hòa nhập cộng đồng.
Trực tiếp làm công tác tư vấn, bà Lê Thị Loan - Đội trưởng Đội Công tác xã hội phường 8, quận 4 - cho rằng kinh phí là vấn đề mấu chốt đem lại sự thành công của mô hình thí điểm này. Bà Loan bộc bạch hầu hết cán bộ tư vấn phải "tự thân vận động" trong việc xoay xở kinh phí chăm lo, hỗ trợ đời sống người nghiện. "Nếu không tạo điều kiện về việc làm, môi trường sống thì người nghiện dễ đi vào "vết xe đổ". Vì vậy, cơ quan chức năng cần tháo gỡ vấn đề kinh phí trong quý I/2019" - bà Loan đề xuất.
Đồng tình, bà Lê Thị Xuân Mùi - Phó Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm ĐTV phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 - cho rằng ĐTV cần kinh phí để duy trì những buổi sinh hoạt định kỳ cho người nghiện. ĐTV cũng rất cần sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo Phòng LĐ-TB-XH quận bởi thực tế, thời gian đầu, lãnh đạo phòng quan tâm nhưng về sau thì lơ là.
"Chúng tôi là cán bộ hưu trí, tình nguyện tham gia công tác này. Mỗi khi đi tập huấn, nhiều người tuổi cao, không biết đi xe máy, phải ráng đi xe buýt. Chưa kể, mời người ta đến nói chuyện, tuyên truyền mà không có một đồng mua nước uống. Mong cơ quan chức năng tìm cơ chế ưu tiên kinh phí cho những hoạt động kể trên" - bà Mùi nói.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Khiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn UBND phường, xã, thị trấn trong việc sử dụng kinh phí hoạt động tại các ĐTV. Song song đó, ban chủ nhiệm ĐTV cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, định kỳ báo cáo đánh giá kết quả hoạt động. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng đề xuất, cấp kinh phí.
Cả nước có 222.582 người nghiện
Đến tháng 6-2018, cả nước có 120 cơ sở với tổng số người đang được điều trị cai nghiện là 34.620. Hiện có 28 tỉnh, TP xây dựng kế hoạch cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện nhưng mới chỉ có 6 tỉnh, TP tổ chức với 1.834 người được cai nghiện.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Công an, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, trên 67,5% đang sinh sống ngoài xã hội, 13,5% trong cơ sở cai nghiện bắt buộc và 19% đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
Bình luận (0)