Đến bây giờ, các y - bác sĩ của Bệnh viện (BV) 175 (TP HCM) cũng không nhớ rõ đã cứu sống và tìm được thân nhân cho bao nhiêu bệnh nhân nguy kịch không rõ tên tuổi được đưa đến BV này. Các y - bác sĩ, bằng cái tâm của người thầy thuốc, đã tận lực chữa trị với mong muốn những người không may sớm trở lại cuộc sống bình thường đồng thời tìm được người thân.
Ưu tiên hơn cả người thường
Tại phòng 4, Khoa Ngoại thần kinh BV 175, một bệnh nhân nam không rõ tên, ước chừng trên 20 tuổi đang trong tình trạng hôn mê sâu. Bệnh nhân này nhập viện từ ngày 19-3, bị chấn thương sọ não, không có giấy tờ tùy thân nên BV không thể thông báo cho thân nhân. Sau 3 tháng được các y - bác sĩ tận tình cứu chữa, bệnh nhân dần hồi phục, chân tay đã bắt đầu cử động được.
Điều dưỡng Vũ Đình Hải vừa khéo léo bón từng muỗng thức ăn qua đường xông cho bệnh nhân này vừa kể: “Toàn bộ chuyện ăn uống, vệ sinh của những trường hợp tương tự đều do điều dưỡng và hộ lý lo liệu. Mỗi ngày, bệnh nhân ăn 4 lần, mỗi lần 500 ml xúp loãng. Thỉnh thoảng có người hảo tâm tặng sữa thì chúng tôi cho bệnh nhân ăn thêm. Chuyện vệ sinh thì mỗi ngày 2-3 lần, riêng thanh niên này ăn được nên tiểu tiện nhiều, phải thay bỉm liên tục”. Thấy chúng tôi định chụp hình, anh Hải đề nghị: “Hãy chụp gần mặt anh ta một chút. Biết đâu khi đăng lên báo, người thân anh ta nhận ra được sẽ đến tìm BV...”.
Gần đó, tại phòng cấp cứu, một người đàn ông không rõ tên, khoảng trên 40 tuổi cũng đang nằm thiêm thiếp. Nhập viện từ ngày 15-9-2013, nằm ở BV 175 gần 9 tháng nhưng ông vẫn chưa có người thân đến nhận. Do nằm lâu ngày, bệnh nặng nên cơ thể ông bị suy kiệt, dù được hộ lý vệ sinh kỹ nhưng không tránh khỏi tình trạng lở loét trên lưng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, phụ trách Khoa Ngoại thần kinh, đây là nơi thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân vô danh, không rõ bị tai nạn giao thông hay nguyên nhân gì khác nhưng khi vào BV thì đã hôn mê sâu, chấn thương sọ não nặng. Không cần biết họ có người thân hay không, bác sĩ phải hồi sức tích cực và mổ cấp cứu ngay khi có chỉ định. Thậm chí, họ còn được ưu tiên mổ sớm vì không cần ý kiến của người thân. Với những trường hợp này, các bác sĩ ví von là bệnh nhân “3 không”: Không tên tuổi, không viện phí và không người thân.
Cứ tìm, điều kỳ diệu sẽ đến...
Lật lại hồ sơ những bệnh nhân vô danh từ năm 2013 đến nay, đại tá Dương Văn Thanh - Phó Chủ nhiệm Phòng Chính trị BV 175, nơi chuyên trách việc đưa thông tin lên báo đài để tìm kiếm thân nhân người bệnh - cho biết: “Có cả trăm trường hợp người vô danh nhập viện. Nhiều người sau một thời gian điều trị, khi tỉnh lại thì BV đã khai thác được thông tin về nhân thân họ. Với những bệnh nhân này, BV đều có chung quy trình là cứu chữa trước, sau đó chờ họ tỉnh táo, mặt đỡ phù nề, mở được mắt rồi chụp hình đăng báo để tìm kiếm thân nhân. Kế đến, chúng tôi phối hợp với công an các địa phương đã đưa nạn nhân vào BV để tiếp tục tìm lai lịch của họ”.
Đại tá Dương Văn Thanh cho rằng công việc tìm kiếm thân nhân của bệnh nhân vô danh rất gian nan. Hầu hết họ khi nhập viện đều không có giấy tờ tùy thân lại hôn mê sâu; sau cấp cứu, nhiều người không tỉnh lại. Những trường hợp này thì chỉ chờ công an hoặc người thân thông qua báo đài tìm đến, vậy mà đã có nhiều điều kỳ diệu xảy ra.
Thiếu tá Bùi Phú Tuệ, cán bộ Phòng Chính trị, nhớ lại: “Từ đầu năm 2014 đến nay, BV tiếp nhận 4 bệnh nhân vô danh. Cả 4 đều tìm được người thân nhưng 1 trường hợp đã chết do chấn thương nặng, gia đình nghèo quá nên chúng tôi liên hệ với hội từ thiện hỗ trợ mai táng và miễn toàn bộ viện phí”.
Trong 3 trường hợp còn lại, thiếu tá Tuệ nhớ nhất là bệnh nhân Nguyễn Văn Tâm (53 tuổi, ngụ huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ông Tâm nhập viện ngày 4-3 trong tình trạng bị tai biến, không ai đến thăm nom. Do cứu chữa kịp thời, ông Tâm tỉnh dần nhưng bác sĩ hỏi địa chỉ nhà thì ông lúc nhớ, lúc quên, khi thì nói ở Long Đất, lúc lại bảo ở Long Hải. Để xác minh, các bác sĩ phải tìm gặp những bệnh nhân ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang điều trị trong BV. Cuối cùng, họ cũng tra ra được địa chỉ nhà của ông Tâm ở xã Phước Hải, huyện Long Đất. Ngày 1-4, để yên tâm, BV cử 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ đưa ông về tận nhà.
“Bệnh nhân này đã ly dị vợ. Về nhà gặp lại 2 chị gái, ông mừng rơi nước mắt. Họ ôm lấy nhau khóc òa như con nít” - ông Tuệ cho biết. Toàn bộ chi phí điều trị hơn 30 triệu đồng của ông Tâm cũng được BV miễn thu.
Xúc động không kém là trường hợp bệnh nhân Lê Vũ Linh (25 tuổi, quê tỉnh Bến Tre) bị tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não. Phải qua 4 khoa - từ mổ sọ não đến phục hồi chức năng rồi điều trị tâm lý... - đến ngày 31-3, Linh mới cung cấp được thông tin về gia đình. Mừng rỡ, các y - bác sĩ vội liên lạc thì mời biết gia đình anh rất khó khăn. Vì thế, viện phí trên 30 triệu đồng cũng được BV miễn thu...
Mong xã hội chung tay
Theo đại tá Dương Văn Thanh, với những ca chấn thương sọ não điều trị lâu dài, chi phí rất tốn kém, trung bình 30-40 triệu đồng, có trường hợp đến 200 triệu đồng. Đây thực sự là gánh nặng của BV bởi hầu hết chi phí đều phải trích từ quỹ phúc lợi hoặc kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ. Cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân tỉnh lại, tự tìm đường về nhà mà “quên” luôn viện phí.
“BV cũng không trách họ bởi hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, không tiền chi trả. Có trường hợp sau khi về nhà đã viết thư cám ơn khiến chúng tôi rất ấm lòng. Xã hội, người dân hãy cùng chung tay, khi phát hiện nạn nhân bị tai nạn, ngoài việc giúp đưa họ vào BV, hãy cung cấp thông tin và mạnh dạn phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc và tìm người thân cho họ. Bởi lẽ, chỉ có tình thân huyết thống mới giúp những bệnh nhân này mau lành bệnh” - ông Thanh mong mỏi.
Bình luận (0)