Hằng năm, ngành giáo dục tỉnh Bình Phước ồ ạt tuyển giáo viên vào biên chế. Điều bất thường là việc tuyển giáo viên này diễn ra trong lúc các trường CĐ sư phạm, phổ thông dân tộc nội trú (DTNT), trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) và các trường THPT... tại tỉnh này luôn thừa biên chế.
11 trường thừa hơn 200 biên chế
Trước tình trạng bất cập trên, vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo Sở Nội vụ lập đoàn kiểm tra. Qua kiểm tra thực tế, chỉ với 10/47 trường do Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước quản lý, gồm: THPT thị xã Phước Long, Nguyễn Khuyến, Thanh Hòa, Thống Nhất, Chu Văn An, Đăk Ơ, Lê Quý Đôn, Trường Phổ thông cấp 2-3 Đăng Hà, Võ Thị Sáu, Đa Kia, số giáo viên nằm trong biên chế được xem là… thừa lên tới 187 người.
Cá biệt, Trường Phổ thông cấp 2-3 Đồng Tiến (huyện Đồng Phú, nằm ngoài danh sách 10 trường nêu trên), sau khi kiểm tra phát hiện thừa đến 26 biên chế. Dù Sở
GD-ĐT tỉnh Bình Phước đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu ban giám hiệu trường này lập danh sách số biên chế thừa báo cáo cho sở nhưng trường này không thực hiện vì… không thể cho ai nghỉ.
Một cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước phân tích: “Mỗi biên chế được khoán 60 triệu đồng/người/năm, chưa tính phụ cấp khu vực như vùng sâu, vùng xa và các ngành đặc thù như giáo viên dạy môn giáo dục công dân, chính trị và thể dục thể thao. Với hơn 200 biên chế thừa trên, mỗi năm ngân sách của tỉnh phải chi hơn 12 tỉ đồng. Trên thực tế, ước tính số giáo viên thuộc diện thừa biên chế tại các trường thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước là khoảng 300 người.
Đủ chiêu lách quy định
Vì sao việc thừa hàng trăm giáo viên diện biên chế tại tỉnh Bình Phước diễn ra khá lâu nhưng đến nay mới phát hiện? Một cán bộ Sở GD-ĐT cho biết theo quy định tại điều lệ các trường THPT thì mỗi lớp không quá 45 học sinh. Chính vì thế, nhiều trường đã “lách” quy định để tăng biên chế bằng cách bố trí sĩ số học sinh của mỗi lớp xuống mức cực thấp. Đơn cử, Trường Phổ thông cấp 2-3 Đăng Hà (huyện Bù Đăng) có 33 lớp, được giao 86 biên chế nhưng trường này chỉ có 23 học sinh/lớp. Tương tự, Trường THPT Đăk Ơ (huyện Bù Gia Mập) có 23 lớp, cũng chỉ 23 học sinh/lớp, trong khi tới 68 biên chế! Thậm chí, có những trường chỉ có… 5 lớp nhưng tới 33 biên chế như Trường Phổ thông DTNT Phước Long. Còn Trường Phổ thông DTNT Lộc Ninh có 5 lớp nhưng đến 26 biên chế.
Vị cán bộ này tính toán: Nếu mỗi lớp nâng lên trung bình 35 học sinh thì Trường Phổ thông cấp 2-3 Đăng Hà chỉ còn 22 lớp, giảm được 11 lớp so với hiện tại, dư ra 25 giáo viên, mỗi năm giảm được khoảng 1,5 tỉ đồng tiền lương. Tương tự, Trường THPT Đăk Ơ có thể giảm còn 15 lớp với 46 biên chế, tiết kiệm được 8 lớp và 22 biên chế (hơn 1,3 tỉ đồng/năm). Hay trường THPT Thanh Hòa (Bù Đốp) từ 40 lớp, 101 biên chế, nếu giảm còn 29 lớp với 77 biên chế thì sẽ dôi ra 24 biên chế (tương đương 1,4 tỉ đồng/năm)… “Nếu làm quyết liệt, mỗi năm tỉnh Bình Phước không những tiết kiệm được hàng chục tỉ đồng cho ngân sách và không phải đầu tư xây hàng loạt phòng học mới rất lãng phí mà còn tạo động lực để giáo viên thi đua dạy giỏi nhằm giữ việc làm. Khi đó, chất lượng giáo dục mới mong được nâng lên” - một cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước tâm tư.
Tuyển đại trà để đón… biên chế
Theo báo cáo của đoàn kiểm tra, nhiều huyện của tỉnh Bình Phước đã ký hợp đồng chờ tuyển vào biên chế vượt hơn 300 chỉ tiêu so với số biên chế được Sở GD-ĐT tạm giao. Cụ thể, tổng biên chế sự nghiệp giáo dục của huyện Đồng Phú so với số tạm giao năm 2012-2013 còn lại 27 biên chế nhưng đã hợp đồng chờ tuyển 70 người! Còn tại huyện Bù Gia Mập, các trường học của huyện đã hợp đồng chờ tuyển vượt chỉ tiêu tạm giao năm học 2012-2013 là 84 người; huyện Hớn Quản vượt chỉ tiêu 34 người. Đặc biệt, ở huyện Bù Đăng, tổng biên chế sự nghiệp giáo dục so với số tạm giao năm 2012-2013 còn 95 biên chế nhưng đã hợp đồng chờ tuyển 212 người, vượt chỉ tiêu tạm giao đến 117 người!
Bình luận (0)