Chuyến đi đúng vào ngày mưa bão, đoàn phải vượt dốc cao đường trơn khá vất vả mới tìm đến được một buôn làng xa xôi hẻo lánh. Những tưởng chương trình kể chuyện sẽ không được diễn ra như dự kiến, vậy mà đến nơi đoàn bất ngờ khi thấy những đứa trẻ đã tập trung đông đúc, háo hức đón chờ.
Nhiều đứa trẻ ở “vùng trắng”, nơi mà cuộc mưu sinh đeo bám từng ngày, sách được bố mẹ các em xem là món hàng xa xỉ. Do vậy, khi được tặng sách, các em xem như một món quà quý giá. Những đôi mắt trẻ thơ long lanh không giấu được niềm vui khi chạm tay vào những quyển sách; được hòa mình vào thế giới thần tiên cùng những câu chuyện đẹp của thế giới sách bao la mà tạm quên đi chuyện cơm áo thường ngày. Thế ra, sách vẫn là niềm mong mỏi và khao khát của trẻ thơ nơi nghèo khó.
Song, với những đứa trẻ sống ở đô thị, nơi có đủ điều kiện để tiếp xúc với sách thì không mê đọc. Ngoài thời gian phải học quá nhiều chương trình nặng nề ở trường, thời gian còn lại các em dành hết cho những trò chơi trên internet và các chương trình giải trí truyền hình. Có thể nói sức hấp dẫn của văn hóa nghe nhìn hôm nay đã xóa đi mọi hứng thú đọc sách của các em.
Thế giới sách là nơi kiến thức bao la hội tụ, nơi những trang đời của bao phận người được mở ra; là những giá trị sống, bao ước mơ, hoài bão... Một đứa trẻ lớn lên mang bên mình hành trang là những trang sách thì sẽ biết sống bằng một trái tim nhân hậu, biết yêu thương, chia sẻ, bao dung và có thể nhận thức sâu sắc về hành trình ý nghĩa nhất của mỗi cuộc đời.
Xây dựng thói quen đọc sách cho các em vẫn phải bắt đầu từ gốc gia đình. Xây dựng văn hóa đọc cho thiếu nhi cũng là cách để bắt đầu cho hành trình tích lũy vốn sống và những giá trị tâm hồn của các em sau này, mà gia đình phải là nơi gieo hạt.
Bình luận (0)