Mới đây, doanh nghiệp (DN) nơi tôi làm việc nhận được thông báo của cơ quan thuế về số tiền thuế sử dụng đất phải nộp vào ngân sách nhà nước năm 2023 tổng cộng hơn 1,6 tỉ đồng. Đây là một số tiền không nhỏ nếu so với tình hình tài chính khi DN đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Là DN xây dựng, chuyên về thi công xây dựng các công trình về cầu đường bộ, đường sắt, nhà ga, bến bãi, tòa nhà... với thời gian hoạt động gần 50 năm, có thương hiệu, uy tín trên thương trường; chưa lúc nào DN lâm vào tình cảnh thiếu vốn, thiếu việc làm, thiếu công trình để thi công như hiện nay; nhà xưởng, máy móc phải… "đắp chiếu", phải cố gắng xoay xở, cầm cự để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Còn nhớ, khi tình hình đại dịch xảy ra năm 2021, thực hiện chủ trương của Chính phủ, các bộ, ngành, DN đã được một số cơ quan chức năng, cơ quan thuế gia hạn, miễn giảm một phần tiền thuế, giúp DN giảm bớt một phần gánh nặng chi phí. Hiện nhiều DN đã và đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thách thức hơn cả thời điểm năm 2021, năm 2022 khi đại dịch diễn ra.
Hơn lúc nào hết, DN rất cần Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục đồng hành, có những chính sách, chủ trương, chỉ đạo trong việc gia hạn, miễn giảm một phần tiền thuế theo nghĩa vụ phải nộp và thực hiện, trong đó có tiền thuế sử dụng đất hằng năm.
Ngoài ra, có chủ trương, chính sách kéo giảm lãi suất cho vay, giúp DN gặp khó khăn về vốn nhằm tiếp cận đồng vốn để ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Lãi suất hiện cho DN vay để phục vụ thi công, hoạt động sản xuất - kinh doanh, chi trả tiền lương, thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuế, đóng BHXH cho công nhân, người lao động vẫn ở mức hơn 8,5%/năm. Mức lãi suất này vượt quá khả năng đối với rất nhiều DN, trong khi mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân đang rất thấp.
Nếu được tạo điều kiện để nhanh chóng tiếp cận đồng vốn, tin rằng DN sẽ sớm vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển.
Bình luận (0)