Trong cuốn "Tài liệu tập huấn tổ trưởng tổ tự quản giảm nghèo bền vững", người có thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm trở xuống thuộc diện hộ nghèo, từ 21 - 28 triệu đồng/người/năm thuộc diện hộ cận nghèo.
Hiện có những chính sách hỗ trợ người nghèo như: chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, giáo dục, việc làm, BHYT tự nguyện, nhà ở, mai táng phí, giảm giá điện nước sinh hoạt, trợ cấp khó khăn. Trong đó, hộ nghèo được ngân sách TP hỗ trợ 100% tiền mua thẻ BHYT và 5% tiền đồng chi trả khi khám chữa bệnh BHYT, hỗ trợ 3% mức lương cơ sở/người bệnh nội trú/ngày, 100% chi phí khám sức khỏe tiền hôn nhân và xét nghiệm sàng lọc sơ sinh, được hỗ trợ học phí tối đa 3 triệu đồng/khóa học nghề và tối đa 600.000 đồng tiền ăn/người/khóa học… Ngoài ra, hộ nghèo được vay vốn tối đa 100 triệu đồng với lãi suất 0,5% tháng (6% năm), không cần thế chấp, thời hạn vay dưới 10 năm…
Như vậy, chính sách hỗ trợ người nghèo đã khá đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận người nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ chính sách, không tự vươn lên thoát nghèo. Do vậy, cần giúp hộ nghèo không thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội chiếc "cần câu" thay vì cho không.
Cần ưu tiên đào tạo nghề, giúp người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số có việc làm, có chính sách miễn giảm thuế cho cơ sở sản xuất - kinh doanh sử dụng nhiều lao động thuộc hộ nghèo… Hộ nghèo đồng chi trả 10% - 20%, ngân sách hỗ trợ 80% - 90% thay vì 100% tiền mua thẻ BHYT, 100% chi phí khám sức khỏe tiền hôn nhân và xét nghiệm sàng lọc sơ sinh… Thay vì miễn 100% học phí học sinh - sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nên đồng chi trả 10% - 20%...
Mục đích chính của việc đồng chi trả là giúp hộ nghèo tự phấn đấu vươn lên, không ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước. Ngoài ra, việc xét công nhận hộ nghèo, cận nghèo cũng cần sự tham gia của người dân và công khai, minh bạch tại tổ dân phố, tổ nhân dân nơi cư trú.
Bình luận (0)