Những ngày đầu tháng 7-2014, trong vai những kẻ buôn gỗ, chúng tôi tới làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai để tìm hiểu về đường dây buôn gỗ lậu xuyên quốc gia. Gỗ lậu được đưa ồ ạt từ Campuchia qua xã biên giới này mà không vướng phải sự ngăn chặn nào từ phía cơ quan chức năng.
Mua bao nhiêu cũng có
Ở làng Bi, rất nhiều người kiếm sống bằng nghề vận chuyển gỗ thuê cho các đầu nậu. Sau một hồi trò chuyện, khi chúng tôi hỏi mua gỗ, một người đàn ông dân tộc thiểu số thẳng thừng: “Cứ đưa tiền trước, bao nhiêu cũng có”.
Theo ông này, trước đây, làng Bi có rất nhiều đầu nậu tìm đến mua gỗ. Thời gian gần đây, do giá gỗ lên cao nên tình hình tạm lắng. Nổi danh trong giới buôn gỗ tại làng Bi là chị em bà Huệ và một người thường được gọi là Kiên “trọc”. Một trong những kẻ có máu mặt, thường xuyên nhận tiền và thu mua gỗ với khối lượng lớn cho bà Huệ tên là Win.
Theo một người từng có thời gian dài buôn gỗ tại xã Ia O, phải đưa tiền cho dân địa phương mua hàng vì họ thông thuộc địa bàn và có mối quan hệ “đặc biệt” với những kẻ buôn gỗ bên kia biên giới. Họ đã nhận tiền của ai thì chỉ bán cho người đó và hưởng tiền chênh lệch.
Một buổi trưa, bám theo một thanh niên vừa chở gỗ về làng Bi, chúng tôi đến bến phà 6 trên sông Pô Cô. Hàng chục xe máy đã chờ sẵn ở bờ sông. Nhiều nhóm đàn ông lần lượt đưa hàng trăm súc gỗ từ những chiếc xuồng lên bãi tập kết. Các nhóm khác xếp những khúc gỗ vuông có cạnh 20-30 cm, dài 1,2-1,4 m lên những chiếc xe máy rồi chở về phía làng Bi. Theo thanh niên này, nơi đây chủ yếu thu mua gỗ giáng hương (gỗ nhóm I), giá cả tùy thuộc chất lượng và người bán bên Campuchia, dao động khoảng 27-30 triệu đồng/m3.
Chiều 5-8, trước sân nhà ông Win ở xã Ia O, khoảng 6 người đàn ông tất bật xếp những súc gỗ vuông vào chiếc ô tô bán tải biển số 81C-058... Một người trông coi bãi gỗ này cho biết đây toàn là gỗ giáng hương được ông Win mua cho bà Huệ. Nơi này còn rất nhiều bãi gỗ, hằng ngày ô tô tấp nập đến chở đi.
Kho gỗ giữa thành phố
Tối 5-8, chúng tôi bám theo chiếc xe 81C-058... từ làng Bi về TP Pleiku. Với quãng đường gần 100 km, chiếc ô tô chở gỗ vô tư chạy qua các chốt kiểm tra liên ngành.
Sau khi lọt qua chốt kiểm lâm và CSGT huyện Ia Grai đặt tại xã Ia Kra’I, chiếc xe chở gỗ chạy sang Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai rồi đến TP Pleiku. Khi vào nội thị, chiếc xe chạy lòng vòng qua nhiều tuyến phố rồi đến nhà kho của Xí nghiệp tư doanh Hoàng Nam (thôn Plei Do, xã Chư Á, TP Pleiku).
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ngoài nhà kho của Xí nghiệp tư doanh Hoàng Nam, trên địa bàn TP Pleiku còn có các kho khác mà lái buôn vẫn thường mang gỗ về bán như kho Q.T (phường Diên Phú), kho Vân Mập (phường Chi Lăng)... Những kho này luôn đóng kín cổng, lắp hệ thống camera giám sát và có người canh gác 24/24 giờ.
Ngày 6-8, trong vai người mua gỗ, chúng tôi tìm cách vào nhà xưởng ở kho Vân Mập. Sau một hồi kiểm tra kỹ càng, những người coi kho gỗ này mới để chúng tôi vào bên trong rồi lập tức đóng kín cửa.
Bên trong xưởng, hàng chục người đàn ông xăm trổ đầy mình luôn nhìn chúng tôi dò xét. Tại đây, hàng ngàn súc gỗ đa dạng về kích thước được xếp thành đống cao ngút. Cạnh đó là cả một hệ thống máy cưa cỡ lớn, hàng loạt xe nâng… Sau khi xem gỗ, chúng tôi hẹn sẽ quay trở lại và nhanh chóng rời nhà kho này.
Tại trụ sở của Xí nghiệp tư doanh Hoàng Nam, bên trong kho, ngoài những lô gỗ cao su đã đóng thành kiện còn có vô số khúc gỗ hương chất thành từng khối cao. Cũng tại nhà kho này, chúng tôi gặp lại nhiều chiếc ô tô như 81B-001.61, 47B-008.04... từng đến làng Bi chở gỗ.
Đang kiểm tra...
Chiều 11-9, chúng tôi đăng ký làm việc với ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, về việc gỗ lậu ồ ạt tuồn qua biên giới thì được thông báo ông đang họp. Trao đổi qua điện thoại, ông Nhĩ cho biết ngày 12-9, ông cũng đi họp cả ngày. “Chúng tôi đã nhận được thông tin về vụ việc và đang cho người kiểm tra, xem xét thực hư, khi nào có kết quả sẽ thông báo sau” - ông Nhĩ nói.
Bình luận (0)