Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 - Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa khởi công dự án nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2) - giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 838 tỉ đồng. Giai đoạn 2 (hoàn chỉnh), vốn đầu tư khoảng 1.100 tỉ đồng. Đây là dự án đã có quy hoạch và được chờ đợi từ lâu.
Đồng bộ hạ tầng giao thông khu vực
Nút giao thông Mỹ Thủy được xây dựng theo dạng thức nút giao khác mức (cầu vượt, hầm chui).
Giai đoạn 1, công trình được thực hiện trong vòng 2 năm (2016-2018), bao gồm: xây cầu vượt theo hướng đường Vành đai 2 với 4 làn xe, rộng 17 m, dài 316 m; xây hầm chui rẽ trái từ đường Vành đai 2 đi cảng Cát Lái gồm 2 làn xe rộng 9 m, dài 405 m, phần hầm kín dài 80 m; xây cầu Kỳ Hà 3 gồm 4 làn xe rộng 17 m, dài 75 m; xây các nhánh đường bờ tả rạch Mỹ Thủy (bao gồm nhánh rẽ phải từ đường Nguyễn Thị Định, phía cảng Cát Lái đi Vành đai 2, đường chui cầu Mỹ Thủy, đường chui cầu Kỳ Hà 3 và hầm chui Nguyễn Thị Định); xây các nhánh bờ hữu rạch Mỹ Thủy (bao gồm nhánh rẽ phải từ đường Nguyễn Thị Định, hướng từ Phú Mỹ đi Vành đai 2, đường chui cầu Kỳ Hà 2).
Theo ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, nút giao thông Mỹ Thủy là điểm giao của 2 trục giao thông chính quan trọng của TP HCM với các trục đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống và Vành đai 2. Trong đó, đường Nguyễn Thị Định là đường ra vào cảng Cát Lái với hơn 18.000 lượt xe container, xe tải lưu thông mỗi ngày. Nút giao này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển hàng hóa của các phương tiện ra vào cảng.
Cùng với đó, hiện đường Vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc) được đưa vào khai thác và đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã kết nối vào đường Vành đai 2 tại nút giao Phú Hữu càng làm tăng lượng phương tiện qua nút giao thông Mỹ Thủy. Do đó, việc đầu tư dự án nút giao thông Mỹ Thủy đã trở nên cấp thiết nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận tải hàng hóa vào cảng Cát Lái; tăng cường an toàn giao thông trên toàn tuyến, góp phần phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông khu vực.
“Khi hoàn thành giai đoạn 1, dự án sẽ tách được các dòng xe chính có phương tiện lớn lưu thông khác mức, như: xe trên đường Vành đai 2 sẽ lưu thông theo hầm chui về cảng Cát Lái, dòng xe từ cầu Rạch Chiếc về Phú Mỹ sẽ lưu thông qua cầu vượt số 1. Ngoài ra, dự án cũng tách được lượng xe 2 bánh trên đường Nguyễn Thị Định lưu thông riêng qua hầm chui, góp phần giảm nguy cơ mất an toàn giao thông so với phương án lưu thông trộn làn giữa xe 2 bánh và ô tô như hiện nay” - ông Lê Ngọc Hùng nhấn mạnh.
Phải giám sát kỹ chất lượng công trình
Để thực hiện dự án này, TP HCM phải giải phóng mặt bằng 5,7 ha, 164 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng di dời về nơi ở mới. Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy lẽ ra phải được làm sớm hơn.
TS Phạm Sanh cho rằng khi thực hiện dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và đại lộ Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, TP nên làm luôn dự án này để tạo sự liên kết ngay từ đầu. Vấn đề hiện nay là sau khi đưa vào sử dụng, dự án phải tạo sự khai thác hiệu quả cho các tuyến đường lân cận.
Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, Khoa Kỹ thuật giao thông Trường Đại học Bách khoa TP HCM, dù hơi muộn nhưng dự án sẽ đóng góp vai trò cực kỳ quan trọng cho giao thông TP, tạo cửa ngõ thông thoáng, kích thích tăng trưởng hàng hóa vào các cảng. TS Mai cho biết hàng hóa từ các cảng của TP HCM lưu thông qua khu vực này rất lớn. Nếu không xây dựng vòng xoay Mỹ Thủy, bài toán ùn ứ hàng hóa, kẹt xe sẽ không giải được.
Trong khi đó, GS-TS Lê Huy Bá cho rằng phải tạo được sự liên kết của các hạng mục để tránh tình trạng không phát huy hết hiệu quả. Ngoài ra, đây là khu vực có lượng xe tải trọng lớn vô ra liên tục, công tác giám sát trọng tải cũng nên được tiến hành thường xuyên để bảo quản công trình không bị lún như các tuyến đường lân cận.
“Tôi cho rằng TP HCM rót vốn để thực hiện dự án này là đúng đắn. Điều quan trọng là phải giám sát kỹ chất lượng công trình vì TP đã bỏ vào đây một khoản vốn lớn” - GS-TS Lê Huy Bá lưu ý.
Bảo đảm đúng tiến độ
Tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa yêu cầu để dự án được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, phát huy hiệu quả, UBND quận 2 phải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư những hộ dân bị ảnh hưởng. Sở Giao thông Vận tải cần chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất hồ sơ thiết kế, các hạng mục còn lại của dự án, tổ chức đấu thầu.
UBND TP HCM cũng yêu cầu Công an TP hỗ trợ chủ đầu tư trong việc phân luồng, điều tiết giao thông, không để ùn tắc giao thông trong quá trình thực hiện dự án.
Bình luận (0)