Theo phản ánh của cán bộ, công nhân viên (CB-CNV) Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng công trình (viết tắt Công ty Tranimexco), từ năm 2002, UBND TP HCM giao hơn 62.000 m2 đất ở phường Trường Thọ (quận Thủ Đức) để xây dựng khu nhà ở cho người lao động với phương án CB-CNV trong công ty góp vốn thực hiện dự án (gần 200 người); chủ đầu tư giao lại đất (có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh) cho người góp vốn sau khi hai bên hoàn thành nghĩa vụ theo thỏa thuận.
Lo chủ đầu tư bán dự án
Bà Trần Thị Châu Giang (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết năm 2005, bà ký thỏa thuận góp vốn 480 triệu đồng với mục đích sở hữu lô đất 160 m2. Thế nhưng, từ đó đến nay, bà và tất cả cổ đông chưa thể nhận tài sản. "Nhiều CB công ty về hưu từ lâu nhưng chưa biết khu dự án mình có vốn góp sẽ đi về đâu. Thời điểm đó, khu đất có giá khoảng 3 triệu đồng/m2. Hiện nay, giá trị đất lên đến hơn 30 triệu đồng/m2. Mỗi lần hỏi đến, công ty luôn trả lời chúng tôi rằng đang triển khai dự án nhưng đến nay vẫn không rục rịch gì. Chúng tôi nghi ngờ Công ty Tranimexco cố ý kéo dài thời gian, bán dự án hòng trục lợi" - bà Giang lo lắng.
Có mặt tại khu đất thuộc dự án, chúng tôi ghi nhận hiện vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Được biết, ngày 14-8-2018, Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM đã lập biên bản ghi nhận dự án chưa triển khai thi công; đề nghị chủ đầu tư báo cáo về năng lực thực hiện dự án, hồ sơ san lấp dự án. Đồng thời, Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM cũng khẳng định đơn vị chưa nhận bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc chủ đầu tư chuyển nhượng dự án.
Toàn cảnh dự án sau 16 năm triển khai
Làm tiếp dự án với... hơn 4,4 tỉ đồng?
Về thông tin gần 200 cổ đông dự án khẳng định Công ty Tranimexco không đủ năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện dự án, ông Huỳnh Lê Công Trường, Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP, cho biết Công ty Tranimexco đã đề xuất kế hoạch tài chính và cam kết thực hiện dự án theo pháp luật. Căn cứ nội dung này cùng nhiều quy định liên quan, ông Trường đề nghị người góp vốn làm việc lại với chủ đầu tư hoặc liên hệ tòa án nếu muốn giải quyết tranh chấp về tiền góp vốn.
Trong khi đó, ông Đỗ Đình Hóa, trưởng ban đại diện khách hàng (người góp vốn lập ban đại diện thực hiện chức năng giám sát, làm việc với chủ đầu tư - PV), phản ánh: "Ông Chu Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Tranimexco, nhiều lần quanh co, bất hợp tác với ban đại diện. Với mong muốn dự án "thành hình", người góp vốn luôn thể hiện thiện chí hợp tác, đóng góp thêm với mức chi phí hợp lý nhưng lãnh đạo Công ty Tranimexco không mặn mà".
Theo báo cáo tài chính đến năm 2014, chủ đầu tư huy động gần 60 tỉ đồng từ cổ đông. Trong đó, chủ đầu tư chi hơn 55 tỉ đồng phục vụ việc san lấp mặt bằng và đóng thuế. Số vốn còn lại là hơn 4,4 tỉ đồng. Đến nay, chủ đầu tư và người góp vốn chưa thỏa thuận thành công về số vốn phát sinh theo thực tế cần đóng góp thêm hay thông báo về phương án huy động vốn khác (vay ngân hàng…). Trong khi, đến thời điểm hiện tại, cơ sở hạ tầng dự án vẫn là con số 0.
Khuất tất tiền bồi thường
Theo quy hoạch, đường Vành đai trong 67 m sẽ chạy qua dự án. Nhà nước bồi thường số tiền tương ứng giá trị đất dự án mất vì mở đường (ước tính khoảng 50 tỉ đồng). Tuy nhiên, Công ty Tranimexco không đưa phương án cấn trừ số tiền trên vào kế hoạch sử dụng kinh phí thực hiện dự án.
Năm 2013 và 2017, chủ đầu tư yêu cầu mỗi cổ đông góp thêm gần 1 tỉ đồng/100 m2 đất. Nhận thấy phương án góp vốn chủ đầu tư đưa ra không hợp lý nên các cổ đông không đồng ý. Ông Đỗ Đình Hóa cho biết nếu thêm số tiền bồi thường từ dự án mở đường Vành đai trong thì mỗi cổ đông chấp nhận góp thêm từ 300-400 triệu đồng/100 m2.
Bình luận (0)