Dự thảo Bộ Luật Dân sự (BLDS) sửa đổi (gọi tắt là Dự thảo) tiếp tục quy định các quyền nhân thân (cụ thể từ điều 31 đến 50) như trong BLDS hiện hành nhưng sửa đổi một số điều cho phù hợp với Hiến pháp 2013, như: quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân (thay cho quyền bí mật đời tư)…; đồng thời bổ sung một số quyền mới: lập hội, tiếp cận thông tin, sống… Ngoài ra, điều 51 Dự thảo quy định các quyền nhân thân khác về dân sự đều được công nhận, tôn trọng và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Được xác định lại giới tính
Dự thảo lần này quy định chi tiết, cụ thể hơn về quyền có họ, tên của một cá nhân là để khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật. Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ và khoa học trong sửa đổi, bổ sung lần này. Ví dụ, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ theo họ của vợ/chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ/chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi theo họ của vợ/chồng là người nước ngoài… Trước đây, quyền này không có nên xảy ra nhiều bất lợi cho các cá nhân Việt Nam lấy công dân nước ngoài.
Đặc biệt, điều 40 Dự thảo (quyền xác định lại giới tính) quy định: “Cá nhân là người thành niên có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp luật định. Người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn về nhận thức và làm chủ hành vi trong các trường hợp luật định. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo luật khác có liên quan về vấn đề này”.
Thời gian qua, ở Việt Nam ngày càng có nhiều người đã thực hiện việc chuyển giới ở nước ngoài về nước, làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý, xã hội liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của những người chuyển giới. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp nên trước mắt, để quy định của BLDS có tính bao quát, tạo điều kiện thuận lợi cho pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể về những vấn đề liên quan, Dự thảo chỉ ghi nhận một nguyên tắc chung. Ngoài ra, quy định tại khoản 1, khoản 2, điều 41 Dự thảo là để tránh sự lạm dụng việc xác định lại giới tính đối với người chưa thành niên với những mục đích khác ngoài việc tôn trọng, bảo vệ quyền con người của họ.
Trẻ em cũng cần có quyền riêng tư
Quyền bí mật đời tư được Dự thảo sửa đổi thành quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn chưa đưa ra khái niệm thống nhất về quyền riêng tư và bí mật cá nhân. Các văn bản như Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Xuất bản, Luật Phòng chống HIV/AIDS... có quy định về bảo vệ bí mật cá nhân, thư tín nhưng cũng chưa có khái niệm về bí mật cá nhân và quyền riêng tư. Ngoài ra, những văn bản này cũng chưa làm rõ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân bao gồm những nội dung gì; phạm vi đến đâu; khi nào được hiểu là đời sống riêng tư, bí mật cá nhân...? Trong khi đó, quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là một trong những quyền nhân thân quan trọng, bất khả xâm phạm. Nếu không có khái niệm và xác định rõ ràng sẽ dẫn tới cách hiểu khác nhau và sự tùy tiện trong áp dụng, thực hiện pháp luật.
Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em nên chăng cũng cần quy định về quyền riêng tư của trẻ em. Trong đó, nghiêm cấm việc công bố, tiết lộ, khai thác hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 6 tuổi trở lên hoặc đồng ý bằng văn bản của cha mẹ cũng như người giám hộ. Với các thông tin cá nhân liên quan đến trẻ em mà có nội dung ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm, các quan hệ xã hội của trẻ em, ngay cả với cha mẹ và người giám hộ cũng không được công bố, tiết lộ, khai thác hoặc cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân công bố, tiết lộ, khai thác. Trường hợp khai thác các hình ảnh và thông tin của trẻ em để phục vụ cho quá trình tố tụng, phải được thực hiện theo đúng trình tự luật định. Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không được công bố thông tin của trẻ em là nạn nhân của hành vi vi phạm pháp luật, trẻ em là người có hành vi vi phạm pháp luật hay trẻ em là người có liên quan khác trong các vụ án...
Bất khả xâm phạm
Điều 41 Dự thảo (quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân) quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, bảo đảm an toàn. Việc thu thập, sử dụng, công khai thông tin, tư liệu liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật định.
Bình luận (0)