xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hà Nội ăn tết

Xuân Cang

Tôi đã qua đại thọ bát tuần và gói đầy kỷ niệm về những cái Tết Hà Nội rất khá

Ăn Tết có hai nghĩa đen và bóng, một là động tác bỏ thức ăn vào miệng, nhai, nuốt lấy chất bổ nuôi thân; hai là hưởng, thưởng thức. Qua bao đời, người Hà Nội nói riêng, người miền Bắc nói chung, chuyện ăn Tết được tổng kết qua câu đối: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Cha tôi là ông giáo cuối cùng dạy chữ Hán cũng là thầy giáo đầu tiên dạy chữ quốc ngữ ở trường huyện. Những buổi sáng đầu năm, cụ thường dậy rất sớm trong khi mẹ tôi đã nhóm sẵn một hỏa lò than hồng, trên có chiếc ấm đồng đun nước sôi. Cha tôi pha một ấm trà ngon nhưng phải là chè mạn - một loại trà không ướp hương, gói bọc tận trên Thái Nguyên về. Cụ rung đùi uống trà ngâm thơ. Tiếng ngâm thơ của cụ xen lẫn tiếng gà gáy sáng và tiếng chuông chùa Sủi lanh lảnh trong không trung. Và sau ngày mùng 3 Tết, khi các nhà đã làm lễ hóa vàng, các cụ ông mới có khách chơi thơ. Đó là thưởng thức Tết, hưởng Tết.

Bánh chưng

Những ngày giáp Tết, thường là 29, 30 Tết, bọn trẻ con chúng tôi thường ngồi quanh bếp lửa nấu bánh chưng để được nghe hàng kho chuyện cổ tích từ chuyện trầu cau đến bánh chưng, bánh giầy, kể cả chuyện tiếu lâm, các chuyện đời xảy ra trong làng, trong xóm. Chính bếp lửa làm nên cái ngon của bánh.

Làng Sủi của tôi ngày ấy, nhiều nhà có cái nồi đồng ba mươi, quanh năm giấu trong buồng, đựng thóc nếp. Chỉ đến giáp Tết mới giở nồi ra nấu bánh chưng. Nồi ba mươi rộng miệng, xếp khéo nấu được hai chục bánh. Củi nấu bánh phải để dành quanh năm, chặt từ những cành nhãn to, những cây đổ trong gió bão, những đầu gỗ cưa xẻ khi làm nhà, xếp ở đầu nhà để dành đến Tết.

 

Ảnh: Bùi Đăng Thanh
Ảnh: Bùi Đăng Thanh

 

Bà nội tôi là người chỉ huy nấu bánh. Tết năm ấy, chẳng biết bà nội có linh tính thế nào, hay nghe ai mách bảo, đêm 30 Tết nấu bánh chưng xong, còn phải dỡ bánh, xếp bánh lên giàn ngay ngắn, đặt đòn ép bánh. Rồi bà nội ra lệnh chính tay thầy và anh cả tôi năm ấy 18 tuổi phải bắc thang, kê đòn, khuân nồi, đặt lên tít trên xà nhà ngang, rồi múc nước chuyển lên, đổ đầy nồi. Bà nội bảo làm thế để phòng kẻ xấu lấy trộm nồi. Làm thế, kẻ trộm chỉ còn cách lễ sống bà mà bỏ đi. Ai ngờ đâu chính đêm ấy, nhà tôi mất tong cái nồi ba mươi.

Thừa lúc cả nhà ngủ say, kẻ trộm trèo lên xà nhà, lấy nắm giẻ to, nhúng vào nước, rồi vắt cho nước chảy theo cột nhà. Không một tiếng động. Cứ thế cho đến khi cạn sạch nồi ba mươi nước. Kẻ trộm chỉ việc cẩn thận tụt xuống với chiếc nồi to tướng trên vai, chạy ra bờ sông, thả nồi, trèo vào trong, bơi qua con sông nhỏ. Thế là năm tới, bên nồi bánh chưng, bà con làng tôi có thêm chuyện vui mất trộm.

Những năm chiến tranh chống Mỹ, bao cấp ngặt nghèo, người Hà Nội vẫn biết chăm chút cho nồi bánh chưng. Cơ quan tôi ở giữa lòng Hà Nội, chọn thuê một bà gói bánh giỏi ở phố Yên Ninh gói bánh giúp, lấy bếp tập thể nấu bánh trong những thùng tô-nô... Thời bao cấp, mọi thứ đều chờ phân phối theo tem phiếu nhưng người Hà Nội “Không phong lưu cũng ba ngày Tết” (thơ Tú Xương).

Thiếu hương xưa

Hồi thời của cha tôi, các cụ tự viết liễn mừng Tết và viết giúp cho một số nhà. Đến thời của tôi, câu đối đỏ từng bước lùi về dĩ vãng, dẫu “Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài đường mưa bụi bay” (thơ Vũ Đình Liên).

Thời bao cấp ở Hà Nội, Tết đến, các cửa hàng mậu dịch bày bán những câu đối chữ quốc ngữ được in công nghiệp, song có lắm câu đối mà chẳng đối nên thế hệ chúng tôi không thật chuộng. Sau ngày đất nước đổi mới, Tết ở Hà Nội đậm đà sắc màu hơn. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh không còn là của hiếm. Cây nêu, tràng pháo, câu đối đỏ cơ bản đã thuộc về dĩ vãng.

Bây giờ, người Hà Nội vẫn tất bật sắm Tết, lo Tết nhưng không còn dự trữ thức ăn như trước. Không còn mấy nhà ngồi quanh bếp lửa hồng nghe tiếng nước trong nồi bánh chưng sôi ùng ục, hít lấy mùi lá, mùi nếp, mùi củi... thơm tỏa ra trong đêm. Mọi thứ cứ ra siêu thị là có tất tật, mà toàn là thứ ngon với những thương hiệu nổi tiếng khắp vùng miền cả nước. Mấy năm gần đây, mùng 2 Tết, một số cửa hàng, siêu thị đã mở cửa hoạt động nên rất tiện cho các bà nội trợ. Chỉ có những người già như tôi mới thấy bánh chưng siêu thị sao không ngon bằng bánh chưng quê; thịt đông dường như còn thiếu thiếu chút gia vị; miếng thịt gà đồi mua ở siêu thị dường như không ngọt, không thơm bằng gà mình nuôi thuở trước; cành mai vàng phương Nam rực rỡ đấy, hoa đào cũng thắm đấy song dường như thiếu đi chút hương xưa...

Và khi pháo hoa sáng bừng trời Hà Nội, tôi mới sực hiểu rằng cái ngày xưa đã qua rồi. Cái Tết Hà Nội trong tôi đã khác đi nhiều rồi...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo