Ở góc độ cá nhân, tôi có 2 điều mong muốn với bóng đá TP HCM trong tương lai.
1. Chú trọng bóng đá học đường một cách khoa học hơn
Hình ảnh những em học sinh say mê với trái bóng tròn trong giờ tập thể dục, giải lao hay sau giờ học trên các sân cỏ nhân tạo, những bãi đất trống... không còn xa lạ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có một quy hoạch tổng thể, định hướng chiến lược mà chỉ là những chương trình riêng lẻ trong phần tự chọn của môn thể dục hay là những lần tuyển chọn đội tuyển dự Hội khỏe Phù Đổng của ngành giáo dục.
Một chương trình huấn luyện cụ thể với nhiều mức độ khác nhau dành cho học sinh ở từng cấp học nên được xây dựng và thiết kế bởi những người am hiểu, có tâm và có tầm với bóng đá học đường, những huấn luyện viên (HLV) chuyên về đào tạo trẻ, những cầu thủ chuyên nghiệp, những chuyên gia tâm lý thể thao... Tính chất liên thông, có hệ thống được hướng dẫn và thị phạm theo phương pháp sư phạm để những học sinh yêu môn thể thao này hình thành nên tư duy bóng đá, rèn luyện kỹ năng, chiến thuật và định hướng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp trong tương lai.
Với sự đầu tư đúng hướng như thế, bóng đá học đường sẽ là một kênh quan trọng để phát triển bóng đá trẻ, làm nền tảng và bệ phóng cho sự thành công ở cấp độ câu lạc bộ và xa hơn nữa.
2. Trao cơ hội cho những HLV am hiểu bóng đá TP HCM
Trước đây, nhắc đến bóng đá thành phố, người ta nhớ đến HLV Phạm Huỳnh Tam Lang với phong cách tạo nên dấu ấn cho Cảng Sài Gòn trong một thời gian dài. Sau này đến thời các cầu thủ và HLV như Đặng Trần Chỉnh, Lư Đình Tuấn, Lê Huỳnh Đức...
Tiếc là hơn 2 thập niên gần đây, bóng đá TP HCM im hơi lặng tiếng. Đã đến lúc bóng đá TP HCM cần những nhà cầm quân am hiểu nội tình và tạo nên chất riêng cho mình. Chắc hẳn là trong quá trình hội nhập, không thiếu những HLV tích lũy nhiều kinh nghiệm của các ông thầy ngoại đến tham gia huấn luyện ở cấp độ câu lạc bộ hay đội tuyển quốc gia.
Những phương pháp, kỹ năng được tích lũy theo thời gian, nếu biết phát huy một cách có hệ thống với những người thầy biết thổi hồn vào bài giảng, phong cách huấn luyện sẽ nâng chất cầu thủ lên tầm cao mới. Những HLV như thế nên được trao cơ hội cùng với thời gian để mang lại thành công lâu dài cho bóng đá thành phố.
Bóng đá chuyên nghiệp là một kết quả tất yếu của bản thân sự phát triển bóng đá trong các mối tương quan xã hội, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thị trường và ở giai đoạn phát triển mạnh của công nghệ hiện đại. Một tổ chức nào cũng vậy, phải có sức sống bắt nguồn từ cơ sở, phải xác định cho được vị trí và quyền hạn của các cấu trúc cơ sở này, không nên xem cơ sở chỉ là yếu tố chấp hành.
Để 2 mong muốn trên trở thành sự thật, những người có trách nhiệm với bóng đá thành phố nên biết cách phát huy nội lực, nâng cao vai trò của giám đốc kỹ thuật, để những phương pháp huấn luyện tạo nên lối chơi bản sắc phù hợp với cầu thủ; có những nghiên cứu, cập nhật và phổ biến những kiến thức bóng đá mới đến đại gia đình bóng đá thành phố.
Xã hội hóa bóng đá không chỉ là tìm nguồn tài trợ mà còn phải tận dụng được những nguồn lực phát triển chuyên môn, chứ không đơn thuần là lý luận suông. Đây mới là hướng đi lâu dài cho một nền bóng đá chuyên nghiệp.
Bình luận (0)