Trường hợp mới nhất được Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP HCM tiếp nhận cứu chữa là một người đàn ông bị biến dạng nặng, chân tay teo lại... sau một thời gian uống thuốc đông y trị đau khớp ở quê.
Trả giá vì nghe lời người quen
Nạn nhân này là ông H.T.H (44 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh). Ba năm qua, ông H. thường sưng đau các khớp bàn tay, cổ tay nhưng không đến BV mà tự uống thuốc đông y không rõ loại tại địa phương. Lúc đầu, khớp giảm sưng đau thấy rõ nhưng sau 1 tháng, mặt ông tròn ra, tăng cân dần, tay chân teo lại. Dù vậy, hễ đau là ông uống thuốc tiếp.
Gần đây, khi tình trạng càng nặng hơn, các ngón tay bị rút lại, trên da xuất hiện nhiều vết bầm, sưng, ông H. mới vào BV cấp cứu. Ông H. nhập viện trong tình trạng mặt căng tròn đỏ, người mập mạp, chân tay teo tóp, da mỏng, bầm nhiều nơi, biến dạng các khớp bàn tay. Kết quả kiểm tra cho thấy ông bị trật khớp ngón bàn tay trái, biến dạng các khớp liên đốt ngón, hẹp các thân sống, thoái hóa cột sống thắt lưng, viêm khớp dạng thấp, đau rễ thần kinh, loãng xương, xẹp đốt sống, hội chứng Cushing do thuốc.
Cũng vì quá tin tưởng việc bó thuốc trị đau mà chị N.T.T (ở quận Tân Bình, TP HCM) suýt gây họa cho mình. Nghe lời người quen, chị T. đến một tiệm thuốc nam trị đau khớp gối. Chỉ sau 3 ngày bó thuốc nam vào khớp gối, chị bị sốt cao, đầu gối phỏng nặng. Tại Khoa Cơ xương khớp BV Nhân dân 115, bệnh nhân được chẩn đoán viêm da có mủ, thoái hóa khớp gối, được truyền kháng sinh tĩnh mạch, giảm đau, hạ sốt. Sau 10 ngày điều trị, chị T. hết sốt, giảm đau, sang thương trên da khô, lành.
Theo các bác sĩ, các thuốc đông y không rõ loại có thể chứa corticoid có tác dụng phụ gây ra hội chứng Cushing, loãng xương, teo cơ, rối loạn đường huyết... Người bệnh nên cảnh giác trước những thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc.
"Bệnh nhân thoái hóa khớp gối hoặc có vấn đề về xương khớp nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị đúng cách. Không nên cắt lể, bó thuốc theo kinh nghiệm…, hậu quả là bệnh không giảm mà tiền mất tật mang" - bác sĩ chuyên khoa II Chế Thanh Đoan, Phó Khoa Cơ Xương Khớp BV Nhân dân 115, phân tích.
Bệnh nhân bị phỏng nặng do đắp thuốc nam
Nghe bác sĩ "nhân dân", hại con
Không chỉ người lớn kỳ vọng vào kiểu chữa bệnh dân gian "phước chủ may thầy" mà họ còn thử chữa trị cho con em mình. Năm 2017, tại một tỉnh miền Bắc, do nghe lời người khác, người mẹ 19 tuổi đã nhỏ sữa mẹ (3-4 giọt mỗi ngày) vào mắt con sơ sinh để trị mắt có ghèn. Hậu quả là mắt bé bị nhiễm trùng nặng, hỏng giác mạc, mất thị lực, có nguy cơ mù.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ chuyên khoa mắt cho rằng điều trị đau mắt kiểu này phản khoa học. Mọi người vẫn nghĩ sữa mẹ là tốt, có kháng thể, có thể chữa được rất nhiều bệnh, trong đó có đau mắt. Thực tế, khi nhỏ sữa mẹ, mắt trẻ sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh, gây nhiễm trùng, đặc biệt các bé đang có vấn đề viêm mắt.
Theo các chuyên gia, với tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương", không ít bệnh nhân thay vì tìm đến BV để điều trị lại tự ý dùng thuốc nam theo lời truyền miệng khiến bệnh thêm trầm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Chỉ riêng tại BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, số bệnh nhân bị hoại tử tay chân do cách điều trị bó thuốc ngày càng nhiều.
Bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng, Khoa Vi phẫu BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cảnh báo mối đe dọa trong cộng đồng hiện nay là các loại lá cây, thảo dược được dùng làm thuốc bị nhiễm nhiều độc tố. Đây là tác nhân nguy hiểm khiến cho vết thương nhiễm trùng, bị hoại tử nặng. Khi các bác sĩ can thiệp cũng gặp không ít khó khăn. Trước đây, những kiểu hoại tử tay chân do nhiễm trùng kiểu này thường ít gặp.
"Có thể điều kiện môi trường nơi nạn nhân sinh sống bị ảnh hưởng. Lá cây dùng làm thuốc bị nhiễm chất độc nào đó cũng như không được vệ sinh sạch sẽ khi dùng nên người bệnh mang họa" - bác sĩ Thắng nhận định.
Trị bệnh theo các "mẹ bỉm sữa"
Theo TS-BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, hiện nay có tình trạng nguy hiểm là nhiều bà mẹ tự chữa bệnh cho con bằng cách lên các diễn đàn trên internet để tham khảo kinh nghiệm và chữa theo "phác đồ điều trị" của những thành viên trong nhóm.
Việc các bà mẹ tham khảo kinh nghiệm chữa bệnh cho con trên internet là rất nguy hiểm vì cơ thể mỗi người khác nhau nên không thể áp dụng chung một loại thuốc. Dù cùng tuổi nhưng trẻ có thể lực khác nhau, đáp ứng khác nhau mà khi khám bác sĩ phải nhìn, sờ, nghe, gõ, soi, chiếu, chụp mới có thể định bệnh chính xác. Nếu chỉ nghe kể qua triệu chứng mà đã dùng thuốc ngay là hoàn toàn không đúng.
Bình luận (0)