Hẻm là thành phần quan trọng, góp phần tạo nên đặc trưng cấu trúc đô thị của TP HCM. Đa số hẻm tại TP HCM có nguồn gốc từ những lối mòn, lối đi chung do người dân tự thỏa thuận mà hình thành.
Thiếu kinh phí thực hiện
TP HCM có hàng ngàn tuyến hẻm đã và đang được quy hoạch, quản lý theo quyết định số 88/2007/QĐ-UBND của UBND TP HCM (tiền thân là văn bản 3665/UB-QLĐT, ngày 27-9-1997, của UBND TP) ban hành quy định về lộ giới hẻm trong các khu dân cư thuộc địa bàn thành phố, chưa có kế hoạch và kinh phí tổ chức thực hiện hơn 20 năm qua (theo quyết định nêu trên, đường hẻm là các tuyến đường phục vụ giao thông nội bộ khu vực và có lộ giới nhỏ hơn 12 m).
Trong khi đó, TP HCM có rất nhiều tuyến hẻm hiện hữu có lộ giới rất nhỏ (dưới 2 m), không bảo đảm các quy định về an toàn thoát hiểm và phòng chống cháy nổ trong khu dân cư. Hầu hết các hộ dân rất mong muốn được mở hẻm (theo quy hoạch được duyệt) để giúp môi trường được tốt hơn nhưng người dân không thể tự đứng ra vận động, tổ chức thực hiện việc mở hẻm, cần chính quyền đứng ra chủ trì thực hiện công việc vô cùng cần thiết và tốt đẹp này, mang lại lợi ích chung cho toàn thành phố.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí thực hiện cải tạo và phát triển đô thị còn hạn chế đã gây khó khăn trong việc mở hẻm. Ngoài ra, chính quyền thành phố chưa thật sự tập trung, quan tâm đúng mức để xúc tiến, tổ chức thực hiện công tác mở hẻm trong quá trình quản lý, cải tạo và phát triển đô thị.
Mở hẻm sẽ giúp cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống ở các khu dân cư; đáp ứng nhu cầu đi lại tốt hơn của người dân; tạo điều kiện để có thể thực hiện các biện pháp thoát hiểm, phòng chống cháy nổ trong các khu dân cư khi có sự cố xảy ra; bảo đảm các yêu cầu về ánh sáng, thông thoáng và vệ sinh môi trường trong cách khu dân cư; tăng giá trị hiệu quả sử dụng đất cho người dân trong khu vực nói riêng và toàn thành phố nói chung.
Hẻm 199 Tân Phước (phường 6, quận 10) chỉ đủ một chiếc xe máy đi qua Ảnh: Anh Vũ
Hợp tác chính quyền - người dân - doanh nghiệp
Thành phố nên tái khởi động các chương trình, dự án cải tạo và nâng cấp đô thị bằng nguồn kinh phí được tài trợ từ các quỹ đầu tư, tổ chức phi chính phủ như World Bank (Ngân hàng Thế giới) để thực hiện việc mở hẻm.
Bên cạnh đó, thành phố cần tích cực thực hiện giải pháp hợp tác giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp để tạo nguồn lực đất đai và kinh phí để thực hiện việc mở hẻm. Trong đó, người dân hiến đất để mở hẻm, tự cải tạo, chỉnh trang nhà ở sau khi mở hẻm, đóng góp một phần kinh phí (trong khả năng có thể). Doanh nghiệp đóng góp, hỗ trợ kinh phí; riêng đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển dự án bất động sản, vận động doanh nghiệp cung cấp quỹ nhà - đất ở để hoán đổi và tái định cư với giá hợp lý cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, chính quyền giữ vai trò chủ trì tổ chức thực hiện. Cụ thể, chủ động phát động, vận động người dân và doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan cùng tham gia, đóng góp kinh phí để thực hiện mở hẻm. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân về các thủ tục điều chỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng, hoàn công trong quá trình tham gia hiến đất để mở hẻm.
Đối với các trường hợp người dân bị giải tỏa trắng sau khi mở hẻm, cần có phương án đền bù hoặc hoán đổi nhà - đất (có giá trị tương đương) tại khu vực tái định cư được người dân chấp thuận, trong khả năng đáp ứng tốt nhất của chính quyền địa phương và doanh nghiệp.
Đối với trường hợp người dân bị gặp khó khăn về kinh tế, không có khả năng tự xây dựng, chỉnh trang nhà ở sau khi hiến đất để mở hẻm, cần được xem xét hỗ trợ kinh phí để thực hiện cải tạo, chỉnh trang nhà ở.
Tại TP HCM, các quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận 3 đã áp dụng cách làm thành công trong việc mở rộng hẻm rất đáng ghi nhận. TP cần phát động phong trào mở hẻm theo đúng quy hoạch được duyệt trên phạm vi toàn thành phố. Để nâng tính khả thi trong việc mở hẻm, có thể xem xét thực hiện việc mở hẻm đạt lộ giới tối thiểu 4 m để bảo đảm thực hiện các biện pháp thoát hiểm, phòng chống cháy nổ trong các khu dân cư khi có sự cố xảy ra.
Nỗi lo hẻm nhỏ, ngõ cụt
Hẻm nhỏ, ngõ cụt xuất hiện hầu hết các địa bàn của thành phố. Đường Nguyễn Tất Thành, Đoàn Văn Bơ, Tôn Đản (quận 4), nhiều con hẻm hẹp, ngoằn ngoèo nhưng vẫn bị tận dụng kê xe máy, sạp bán nước…, chưa kể dây điện chằng chịt. Có những hẻm cụt, không đủ rộng để một chiếc xe máy quay đầu, trước cửa nhà treo đầy bảng nhắc nhở: "Quay xe xin đừng đụng vào cửa. Cảm ơn!". Thậm chí có những con hẻm nhỏ đến mức chỉ đủ cho 1 người qua.
Thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp, ông Nguyễn Văn Mạnh (ngụ ở hẻm 243 Tôn Đản, phường 15, quận 4) tiến lại hỏi thăm rồi kể: "Hẻm nhỏ nên việc di chuyển rất khó khăn, còn có nhiều hàng ăn mở nên ồn ào lắm. Sống ở đây cứ nơm nớp lo lỡ như có hỏa hoạn hay có sự cố gì, không biết chạy đường nào cho kịp".
Nhiều con hẻm trên đường Quang Trung, đường Nguyễn Văn Nghi (quận Gò Vấp), đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Tân Phước, Ngô Gia Tự (quận 10), Lý Nam Đế (quận 11)… nhà lồi ra, nhà sụt vào khiến nhiều đoạn to hơn 4 m nhưng có nơi chưa đầy 1 m. Nheo mắt nhìn về con hẻm cong vẹo, chỗ to, chỗ nhỏ, có nơi chỉ có một lối thoát duy nhất rộng chỉ hơn một cánh tay, ông Nguyễn Đình Mạnh (ngụ tại hẻm 199 đường Tân Phước) nhớ lại: "Lúc tâm điểm dịch Covid-19, hẻm chật chội nên cả xóm đều "hai vạch". Hàng xóm có người mất, khiêng hòm ra ngoài cũng phải đánh vòng sang đường Ngô Quyền (quận 10). Người trong hẻm đa phần kinh tế khó khăn, không dám mơ đến chuyện mở rộng hẻm".
Ông Hà Quốc Khánh (ngụ hẻm 292 Bà Hạt, phường 9, quận 10) cho biết hẻm này đã được quy hoạch từ lâu nhưng đến nay vẫn "chưa thấy gì". "Năm đó có nhà bất cẩn gây cháy, cả xóm nháo nhào, may mắn đám cháy không lớn nên người dân phụ dập tắt được. Chưa kể, nhà ai cũng có xe máy nên dựng tạm trước nhà, đi lại bất tiện khiến xóm giềng vì thế mà lục đục. Nói chung ai cũng mong muốn ở trong con hẻm rộng rãi, khang trang, an toàn nhưng để mở rộng hẻm, không phải là chuyện dễ. Vả lại cũng không có tiền mà dọn đi nơi khác nên cứ phải sống thấp thỏm trong lo lắng và bức bối" - ông Khánh nói.
Anh Vũ - Thanh Tú - Quỳnh Dao
Bình luận (0)