Mặc dù pháp luật có quy định rất chặt chẽ, cụ thể về việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nhưng do nhiều nguyên nhân mà tình trạng lạm phát cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng. Minh chứng rõ nhất là tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có đến 44 người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, trong khi chỉ có 46 cán bộ, công chức.
Theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ thì các cơ quan, đơn vị được phân quyền nhiều hơn, chủ động hơn trong việc sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ. Do đó, nhiều cơ quan, đơn vị cứ "thỏa sức" bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Điều này dẫn đến câu chuyện khá hài hước là vào cơ quan nhà nước chỉ gặp toàn lãnh đạo mà rất ít thấy nhân viên.
Bên cạnh đó, lấy lý do bổ nhiệm cán bộ để tạo điều kiện cho cán bộ có cái "tầm", cái "hàm", cái "danh" khi làm việc với các địa phương, cấp dưới sẽ dễ dàng hơn cũng gây nên lạm phát cán bộ lãnh đạo. Song song đó là việc nâng cấp, mở rộng vị trí, vai trò của nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị như văn phòng UBND tỉnh trước đây chỉ có các chuyên viên giúp việc trực tiếp lãnh đạo UBND, nay thành lập các phòng trực thuộc văn phòng hoặc nâng cấp các vụ, cục thành tổng cục ở trung ương... cũng làm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã nhiều lại càng nhiều thêm.
Trước đây, các cơ quan nhà nước thường chỉ có 1 thủ trưởng và 1 phó thủ trưởng, trường hợp đặc biệt thì mới có 2 phó thủ trưởng. Nhưng hiện nay thì ngược lại, trong một cơ quan thường có ít nhất 2 phó thủ trưởng trở lên, thậm chí có cơ quan cấp phó lên tới gần chục người. Đặc biệt, dù có định mức rất cụ thể nhưng việc bổ nhiệm vượt định mức diễn ra công khai, tràn lan gần như không được kiểm soát, xử lý, ngay các cơ quan trung ương, việc bổ nhiệm cấp phó "vượt trần" cũng khá phổ biến. Minh chứng là cán bộ sắp về hưu bổ nhiệm một loạt cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thời gian ngắn mà không bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý.
Việc có quá nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý trong một cơ quan, đơn vị không những không giúp giải quyết nhanh chóng, hiệu quả công việc mà đôi khi còn gây ra tình trạng chồng chéo, giẫm chân nhau trong công tác chỉ đạo, điều hành. Chính vì thế nên có nhiều trường hợp chây ì, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau; còn lợi ích, thành tích thì tranh giành nhau, gây mất đoàn kết nội bộ. Trong khi tổng biên chế, bộ máy hiện phình to, quá lớn nên không thể tăng thêm thì việc các cơ quan, đơn vị có quá nhiều cán bộ lãnh đạo sẽ dẫn đến ít người trực tiếp tham mưu, làm việc thật sự và tất yếu công việc sẽ bị ùn ứ, ách tắc, chậm giải quyết cho công dân, tổ chức.
Lý do rất đơn giản là các cán bộ lãnh đạo, quản lý thường mắc bệnh "nói nhiều, làm ít" và thường hay ý kiến, đòi hỏi này nọ mà không trực tiếp thực hiện công việc.
Ngoài ra, việc có quá nhiều lãnh đạo, quản lý còn dẫn đến gánh nặng đối với ngân sách nhà nước vì số kinh phí phải bỏ ra để chi phụ cấp chức vụ, chế độ, định mức, tiêu chuẩn cho đội ngũ này khá lớn.
Thiết nghĩ, với tình trạng có quá nhiều lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước như hiện nay sẽ gây tác dụng tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, lòng tin của người dân đối với hệ thống chính trị. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm chấn chỉnh, siết chặt công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm hạn chế sự tùy tiện gây ra lạm phát cán bộ đang khá phổ biến hiện nay.
Bình luận (0)