Xăng dỏm được cho là nguyên nhân hàng đầu gây cháy xe. Ảnh: Công Danh Ty
Sẽ ngưng sử dụng xăng A83?
Sử dụng nhiên liệu kém chất lượng sẽ dẫn đến rò rỉ nhiên liệu vì hệ thống ống dẫn bị phá hủy hoặc do áp suất hơi cao. Nguồn xăng rò rỉ tiếp xúc với nguồn nhiệt đủ độ nóng sinh ra từ các nguồn hoạt động của xe hay ma sát của hệ thống hãm hoặc tia lửa điện phát ra do hệ thống điện của phương tiện chập mạch có thể gây cháy. Để tạm thời hạn chế khả năng gây cháy xe, các nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất trước mắt cần siết chặt hoạt động kinh doanh xăng dầu.
PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho rằng cần đưa ra tiêu chuẩn bắt buộc với xăng, kiểm tra hàm lượng methanol trước khi đưa vào lưu hành. Bên cạnh đó, cần siết chặt việc nhập khẩu methanol. Theo ông Tân, giới kinh doanh xăng dầu cần phải có trách nhiệm trong việc này. Với các đầu mối nhập khẩu, cần siết chặt quản lý, kiểm tra kỹ trước khi đưa xăng dầu ra thị trường và lập quy trình kiểm tra nội bộ. Với các đại lý kinh doanh, phải kiểm tra và chấm dứt hợp đồng nếu phát hiện sai phạm. Cần kiểm tra chặt chẽ các cây xăng, nếu phát hiện vi phạm thì quy trách nhiệm liên đới với đầu mối nhập khẩu…
Ông Tân cho biết sắp tới, Sở KH-CN TPHCM sẽ đẩy mạnh việc thanh tra các trạm xăng, đại lý, đầu mối nhập khẩu xăng tại TP. Sở cũng sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan để thiết lập quy chuẩn chất lượng bắt buộc với xăng. Bộ KH-CN đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc có thể cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013 sẽ ngưng sử dụng xăng A83. Loại xăng này rất rẻ, nhiều đối tượng vì lợi nhuận có thể pha thêm thật nhiều methanol để chế thành xăng A92, có giá cao hơn. Xăng pha nhiều methanol như thế có thể gây cháy xe.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc người dân làm sao có thể nhận biết được xăng pha methanol hay không, ông Tân thừa nhận bằng mắt thường thì không thể phân biệt. Việc xăng có pha methanol hay không thuộc trách nhiệm của người kinh doanh. Do đó, cần kiểm tra đường đi của methanol vì thời gian qua, chất này nhập về liên tục tăng cao.
Chỉ là kết luận tạm thời
Đối với nhiên liệu sinh học, cụ thể là xăng E5, PGS-TS Phan Minh Tân cho rằng nếu việc sản xuất, kinh doanh đúng kỹ thuật thì khó có khả năng tác động gây cháy xe dù có methanol.
TS Huỳnh Quyền, đại diện Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết người dùng nên sử dụng xăng phù hợp với phương tiện, đặc biệt là chỉ số RON theo tiêu chuẩn khuyến cáo của nhà sản xuất. Không nên sử dụng bất cứ nguồn xăng bất hợp pháp nào hay cho thêm các loại phụ gia chưa được cơ quan chức năng cho phép trên thị trường vào nhiên liệu. Tránh các thao tác bất cẩn gây chảy nhiên liệu ra ngoài vì đây có thể là điều kiện gây cháy nếu xe bị chập điện hay có sự cố về nguồn nhiệt. Bên cạnh đó, cần xem xét, bổ sung một số tiêu chuẩn trong xăng A92, A95; kiểm tra hàm lượng oxygen và methanol, ethanol trong các loại xăng này.
Hai nguyên nhân khác Ngoài nguyên nhân do xăng pha methanol, ethanol chất lượng thấp và không đúng kỹ thuật nêu trên, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Bách khoa TPHCM còn tạm thời kết luận 2 nguyên nhân khác có thể gây cháy xe gắn máy: 1. Hệ thống điện chập mạch trong trường hợp hệ thống bảo vệ cầu chì bị vô hiệu hóa hoặc không đúng yêu cầu kỹ thuật sẽ tạo nguồn lửa, kết hợp với sự có mặt của chất dễ cháy, dễ bén lửa, như các chi tiết làm bằng nhựa trên phương tiện. 2. Các yếu tố khách quan và chủ quan của người sử dụng phương tiện, như: gây nguồn lửa, để các vật dụng dễ cháy nổ ở các vùng nóng cục bộ trong phạm vi thùng chứa mũ bảo hiểm, vật dụng cá nhân gắn liền với xe; các vật liệu dễ cháy như bao ni lông, vải… dính vào ống pô. Ở nhóm nguyên nhân này, những yếu tố được nhấn mạnh là việc sử dụng xăng có chỉ số octan thấp (xăng A83) hoặc pha methanol, ethanol kém chất lượng, không tương thích với yêu cầu của động cơ. |
Bình luận (0)