Cách đây không lâu, chị Hồng (ngụ quận 1, TP HCM) tình cờ xem được mẩu quảng cáo bán miếng dán tan mỡ mang tên Hotfire phát trên truyền hình. Người dẫn chương trình nhiều lần khẳng định chỉ cần dán vào đâu giảm mỡ ngay chỗ đó, giá chỉ 99.000 đồng/miếng.
Mua hàng mới biết dỏm
Ham làm đẹp siêu tốc, chị Hồng không ngần ngại đặt mua ngay 8 miếng. Nhưng dùng hết 8 miếng dán Hotfire, các vùng mỡ chẳng những không giảm mà còn nổi nhiều mụn rộp, gây ngứa rất khó chịu. Đến bệnh viện, bác sĩ cho biết miếng dán mà chị sử dụng thực chất chỉ làm nóng bề mặt da chứ hoàn toàn không có tác dụng tan mỡ.
Một sản phẩm giúp tan mỡ được quảng cáo trên truyền hìnhẢnh: HỒNG THÚY
Cũng muốn đẹp nhanh mà không phải tập thể dục, ăn kiêng, chị Phương Liên (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) mất đến 2 tháng làm “nô lệ” cho sản phẩm tinh dầu giảm cân, được quảng cáo là “thoa đâu giảm đó” trên truyền hình. “Họ cam kết nếu dùng trọn 1 tháng sẽ giảm 10 kg, nếu không sẽ hoàn tiền. Tin lời, tôi mua 4 lọ với giá 3.960.000 đồng. Ngày nào tôi cũng thoa nhưng chẳng có tác dụng gì. Gọi đến nơi bán để phiền trách thì họ nói chắc tại cơ địa tôi mỡ dày quá nên dầu lâu thẩm thấu, phải xài lâu mới có tác dụng” - chị Liên bức xúc. Sau gần 2 tháng, tiêu tốn gần 10 triệu đồng mà mỡ vẫn y nguyên, chị Liên mới chấp nhận sự thật là mình bị lừa, mua trúng hàng dỏm. “Bật tivi lên thấy những kênh quảng cáo kiểu này là chuyển kênh ngay, đừng xem lâu vì xem một hồi là bị dụ” - chị Liên đúc kết.
Chị Hồng, chị Liên chỉ là một trong số hàng trăm khách hàng bị lừa khi mua hàng trên tivi mỗi ngày. Bằng kiểu quảng cáo như “súng liên thanh”, những người dẫn chương trình liên tục lặp đi lặp lại tác dụng của sản phẩm kèm theo hình ảnh bắt mắt, những đoạn phỏng vấn người nổi tiếng, người tiêu dùng (NTD) về tác dụng của sản phẩm khiến không ít NTD tin sái cổ.
Trên kênh HTVC Mua sắm và tiêu dùng, người xem dễ dàng bắt gặp các quảng cáo như kem dưỡng trắng độc quyền, thoa chỗ nào trắng ngay chỗ đó; tinh dầu Thụy Sĩ, bôi trên da 3 ngày sẽ đánh bay vết nám đen kịt. Trong khi đó, kênh VTC16 cũng liên tục quảng cáo máy tập đa năng hiệu Sun Fitness với giá bán tới 16,8 triệu đồng. Chiếc máy kỳ diệu đến độ một người đàn ông trung niên bụng phệ ngồi vào chẳng bao lâu đã thấy bụng biến thành đường cong.
Chưa hết, đơn vị cung cấp còn dùng các thủ thuật khuyến mãi như giảm giá, tặng quà giá trị cho 100 người mua đầu tiên; hoàn tiền nếu không tác dụng... nhằm kích thích NTD nhấc điện thoại lên đặt hàng.
Anh Trí ở quận 7, TP HCM ân hận: “Trên kênh VTVcab thường xuyên chạy quảng cáo nước uống hồng sâm 6 năm tuổi hiệu Resdginseng Premium có giá bán tới 990.000 đồng/hộp với 32 loại dưỡng chất, có đa tác dụng từ cải thiện trí nhớ, giảm mệt mỏi, hạn chế lão hóa, phục hồi làn da... Tôi đã mua loại thức uống này để bồi bổ cho mẹ già. Song chẳng thấy hiệu quả mà các bác sĩ còn cấm dùng vì chứa hàm lượng đường quá nhiều”.
Mới đây, Công ty Mua sắm Đồng Tâm (quận 8, TP HCM) quảng cáo cặp đồng hồ mạ vàng gắn đá quý được sản xuất bởi 3 nước Pháp - Ý - Thụy Sĩ. Nhưng khi mua xong, hàng loạt khách hàng mới biết mình bị lừa khi nó rớt kim, chết máy, nhòe mặt kính... Khi báo chí phản ánh, lãnh đạo công ty này mới thừa nhận đây là hàng Trung Quốc chất lượng rất kém không đeo thường xuyên trên tay được.
Trách nhiệm của nhà đài
Trước thực trạng trên, mới đây, Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương đã ra cảnh báo, khuyên NTD nên lựa chọn các kênh truyền hình có uy tín để mua sản phẩm. Cục này cho biết đài truyền hình chỉ là đơn vị cung cấp sóng, các doanh nghiệp mới là người quảng cáo và bán hàng. Vì vậy, NTD nên xác định rõ địa chỉ, danh tính của đơn vị bán hàng, đồng thời tham khảo thông tin nhiều nguồn trước khi quyết định mua.
Bà Đặng Thị Vân An, Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng việc các đài truyền hình bán sóng rồi phó thác cho doanh nghiệp tự tung tự tác là hiện tượng có thật gây bức xúc cho khán giả và NTD. Trong trường hợp này, trách nhiệm thuộc về các đài truyền hình.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho NTD thông qua các phương tiện truyền thông. Nhà cung cấp dịch vụ truyền thông phải có trách nhiệm bảo đảm thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ; chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác, đầy đủ. Trong những trường trường hợp này, nhà đài rõ ràng đã tiếp tay cho doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại cho NTD.
Rất khó khởi kiện
Đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết gần đây NTD, nhất là ở khu vực phía Nam, thích mua hàng bán qua truyền hình và có không ít trường hợp mua phải hàng kém chất lượng, không như quảng cáo. Tuy nhiên, khi truy số điện thoại thì không tìm được bên bán hàng. Vì thế, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã có quy định về trách nhiệm của bên thứ ba (như nhà đài) trong việc cung cấp thông tin. Cục Quản lý Cạnh tranh đã phát hiện và xử lý 2 kênh truyền hình là VTC và TV Shopping do đăng tải các quảng cáo cho một sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP HCM, cho biết các khiếu nại liên quan đến sản phẩm bán qua truyền hình rất khó giải quyết tại các tổ chức, hội bảo vệ NTD vì không nhận được sự hợp tác của bên bán lẫn nhà đài. Khi đó, hội tư vấn cho NTD đi khởi kiện tại tòa nhưng hiện chưa có NTD nào chịu đi khởi kiện nên đành bó tay.
N.Ánh
Bình luận (0)