Thời gian gần đây, nhiều vụ mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí cả án mạng, đã xảy ra ở các khu dân cư chỉ vì hát karaoke bằng loa kẹo kéo "tra tấn" người xung quanh. Nhiều cái chết có thể nói là lãng nhách vì đã "dám" lên tiếng phàn nàn những người hát karaoke gây ồn ào.
Ngoài vụ việc vừa xảy ra tại Bạc Liêu hôm 28-12, ít nhất 2 án mạng thương tâm gần đây cũng bắt nguồn từ chuyện hát karaoke. Cụ thể, một thầy giáo ở Bình Dương bị đâm chết sau khi nhắc hàng xóm hát karaoke gây ồn. Một người đàn ông khác ở Tiền Giang hát karaoke trong buổi tiệc tại nhà, làm ồn ào đến hàng xóm rồi bất đồng, đánh nhau dẫn đến chết người.
Bạn đọc Trần Công Danh bất bình: "Cái này cũng có thể gọi là chết do thiếu ý thức, chứ không chết lãng nhách chút nào!". Bạn đọc Jean Nguyen tâm tư: "Sao lại có những cái chết "dễ dàng" đến không ngờ? Hình như có lỗ hổng trong pháp luật về vấn đề này, rất mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp, đừng thả nổi tình trạng hát karaoke bằng loa kẹo kéo "tra tấn" hàng xóm, từ nông thôn đến thành thị... rồi lời qua tiếng lại dẫn đến án mạng".
Cơ quan chức năng cần có những quy định rõ ràng và xử lý nghiêm việc hát karaoke bất kể giờ giấc bằng loa kẹo kéo mà không có phòng cách âm.
Thông tư 39/2010 của Bộ Tài nguyên - Môi trường ban hành kèm theo QCVN 26:2010/BTNMT đã quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cụ thể, điểm a, khoản 1, Điều 6 Nghị định 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi "gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau".
Quy chế về quản lý hoạt động karaoke và nhạc sống cũng đã được ban hành. Tháng 5-2018, UBND TP HCM đã chỉ đạo các sở - ngành, quận - huyện cung cấp đường dây nóng để người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Đồng thời, thành lập tổ phản ứng nhanh để kịp xử lý tin báo của người dân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đối với hành vi gây tiếng ồn trong khu dân cư, chủ yếu chỉ là xử phạt về an ninh trật tự, còn việc gây ồn thì mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở. Thường là sau khi bị nhắc nhở thì đâu lại vào đó.
Đồng tình với bất cập nêu trên, bạn đọc Thư than thở: "Xóm nhà của chúng tôi thường bị nhà hàng xóm hát bất chấp, lên tiếng ít thì hát ít, lỡ mà lên tiếng nhiều thì hát nhiều, biết làm sao đây?". Cùng ý kiến, bạn đọc Lê Văn rầu rĩ: "Tôi ở chung cư Screc, quận 3, dù chung cư ngay trung tâm TP, nhưng tôi đang phải khổ sở chịu đựng thường xuyên tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ hát karaoke của hàng xóm bên cạnh".
Nhiều bạn đọc ngán ngẫm với tình trạng hát karaoke tại nhà bằng loa kẹo kéo đã rất bức xúc đề nghị: Dịp năm hết tết đến, chuyện này càng phổ biến và kéo theo nhiều hệ lụy. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần phải có những quy định pháp luật rõ ràng và xử lý nghiêm, phải có chế tài phạt thật nặng hành vi gây ồn ào tại khu dân cư. Có như vậy thì mới mong khu dân cư được yên ổn, tránh được tình trạng đổ máu, tù tội vì những chuyện không đâu do hát karaoke gây ra.
Bình luận (0)