Dĩ nhiên, để làm được điều này phải có sự giúp sức tích cực của cán bộ địa phương bởi có ngày, phó chủ tịch thị xã ký 107 sổ đỏ cho đại gia bất động sản này.
Không chỉ ở tỉnh Bình Dương, thời gian qua có rất nhiều cán bộ từ cấp phường, xã đến trung ương bị kỷ luật liên quan đến vi phạm quản lý, thâu tóm, trục lợi nhà đất. Những vi phạm về nhà đất còn xuất hiện trong nhiều khiếu nại, tố cáo kéo dài. Hậu quả loại vi phạm này gây thiệt hại lớn, tác động xấu đến đời sống xã hội. Đáng lo ngại hơn khi lâu dần bộ máy có thể bị tha hóa khi người này tranh thủ cơ hội trong thời gian giữ chức vụ, người khác cũng sẵn sàng điều chỉnh quy hoạch sao cho đạt mục đích. Tài sản công bị thất thoát trong khi không tìm được đất làm nhà ở xã hội phục vụ người thu nhập thấp. Nhà đầu tư "đỏ mắt" tìm đất nơi trung tâm lập dự án xây dựng dẫn đến giá thuê mặt bằng tăng cao, kinh doanh càng khó khăn, ảnh hưởng môi trường đầu tư…
Qua những vụ việc vi phạm trong quản lý nhà đất đã được kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra và có kết luận cho thấy nếu cơ quan chức năng làm một cuộc tổng kiểm kê quỹ nhà đất, tài sản công trên toàn quốc và có biện pháp xử lý hữu hiệu sẽ thu về cho ngân sách rất lớn. Vì vậy, cấp thiết rà soát quy trình quản lý, sử dụng nhà đất và tài sản công để điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ hơn gắn liền với trách nhiệm cụ thể, thống nhất quản lý về mặt đầu mối.
Các trường hợp xác định được nhà đất, tài sản công bị chiếm dụng cho thuê, bán không đúng quy định hay sử dụng sai mục đích, cần kiên quyết xử lý; kể cả các dự án được giao đất nhưng nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai để kéo dài hoặc những doanh nghiệp thuê đất nhưng cho bên thứ ba thuê lại nhằm thu lợi.
Cần thiết hơn là tạo ra được hành lang pháp lý minh bạch, hài hòa lợi ích, công bằng cạnh tranh giữa các bên liên quan, phục vụ đô thị hóa, phát triển kinh tế. Từ đó, loại trừ các trường hợp "bắt tay", "móc ngoặc", "đi đêm", cấu kết với cán bộ có thẩm quyền biến chất tìm cách thâu tóm nhằm trục lợi bất chính từ nhà đất và tài sản công.
Bình luận (0)