Cha ông ta có câu "Tiên học lễ, hậu học văn". Chữ "Lễ" và "Văn" được xem là hai phạm trù quan trọng trong học thuyết Nho giáo về giáo dục của người Việt, từ ngàn xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Con người, trước hết phải học đạo lý, sau mới học đến văn chương, chữ nghĩa và các lĩnh vực khác. Cho nên không ít bậc cha mẹ đã dạy con rằng trong cuộc đời, sau khi khôn lớn, có thể "không thành công" nhưng phải "thành nhân". Thêm nữa, chữ "Lễ" không chỉ có trong môi trường giáo dục, mà cho tất cả mọi người với đủ các mối quan hệ khác nhau trong xã hội. Thời phong kiến, ngay cả người tột đỉnh quyền uy như vua chúa cũng phải chịu sự chi phối của chữ "Lễ".
Xã hội ngày càng phát triển, môi trường giáo dục cũng theo đó đổi thay, bao nhiêu cải cách sách giáo khoa, chương trình giảng dạy, đào tạo... nhưng chẳng thấy có cải cách nào về việc dạy và học lễ nghĩa, đạo đức.
Thầy cô giáo luôn là những người được kính trọng nhất trong xã hội, không chỉ về kiến thức mà cả đạo đức, nhân cách. Thầy cô giáo được xem như chuẩn mực, giá trị định hình của cộng đồng. Thế nhưng giờ đây, trước những sự việc đau lòng đã và đang xảy ra, người ta có quyền đặt câu hỏi: Đâu là nguyên nhân?
Trước hết, với lề thói coi trọng bằng cấp, thành tích, nhiều bậc phụ huynh đã ép con mình nhồi nhét kiến thức đến nỗi chẳng còn thời giờ để "học lễ". Không ít gia đình vì quá bận rộn với việc kiếm tiền để lo lắng cho con cái nên ít quan tâm, chỉ bảo con mình. Mọi sự dạy dỗ gần như phó thác cho môi trường giáo dục.
Ở nhiều diễn đàn thanh niên, người ta hay dùng cụm từ "kỹ năng mềm" để hướng dẫn những người trẻ cách sống trong môi trường tập thể, cả về văn hóa ứng xử lẫn chuẩn mực đạo đức. Tuy nhiên, những điều này không phải đến khi trưởng thành mới cần được trang bị, mà nên bắt đầu cho mỗi HS từ tấm bé. Tất nhiên, với nền tảng đạo đức, nhân cách tốt, khi trưởng thành, các em sẽ là những công dân tốt, có văn hóa và chuẩn mực. Một khi có nền tảng đạo đức chuẩn mực thì tài năng mới có thể vững bền.
Bình luận (0)